Nhớ hội đua thuyền ở Phú Thọ

05:10, 22/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ cái gốc sâu xa trong truyền thống, đua thuyền ở Phú Thọ đã trở thành một ngày hội quen thuộc vào đầu năm của người dân huyện Tư Nghĩa nói riêng, của người dân Quảng Ngãi nói chung. Tuy nhiên, vẫn ít ai biết cái gốc của hội đua thuyền ở Phú Thọ xưa kia.

Tại khúc sông Phú Thọ với các làng chài nay thuộc các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An xưa (nay thuộc TP.Quảng Ngãi) từng tồn tại lễ hội đua thuyền đầu Xuân với không khí thật tưng bừng náo nức.

Đua thuyền là một hội, thu hút rất nhiều người, nhưng trước hết nó có gốc tích và hạt nhân từ tín ngưỡng: đua là để cầu mùa. Đua thuyền là hình thức lễ hội rất phổ biến của cư dân sông nước, đến nỗi có người nói có dân chài lưới là có bơi đua. Chưa thể biết đích xác hội đua thuyền ở vùng Phú Thọ - Cổ Lũy có tự bao giờ, chỉ biết nó đã có từ rất lâu đời, gắn với sự hình thành cư dân và các miếu mạo.

 

Đua thuyền trên sông Phú Thọ thu hút rất đông người xem. ẢNH: H.TRIỀU
Đua thuyền trên sông Phú Thọ thu hút rất đông người xem. ẢNH: H.TRIỀU


Hằng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, ngư dân chưa vội ra biển đánh cá, mà ở nhà tổ chức đua bơi và hát bội. Ngày đua bơi, đêm hát bội. Dưới đua bơi, trên hát bội. Nói cho đúng thì ngư dân chỉ rước đám hát bội về và nghe hát. Phường hát thường được rước từ Bình Định ra. Đua bơi ba ngày, thì ba đêm hát bội. Đêm hát đầu tiên, ngư dân vùng Phổ An (xã Nghĩa An) có tục rước thần đi xem hát: Người ta cúng thần ở miếu, xong đi xà lui rước linh vị đến chỗ biểu diễn, có đội nhạc lễ đi theo, đến nơi người ta đặt linh vị lên trang thờ đã dựng sẵn.

Trang thờ này dựng cao, đối diện với sân khấu. Trước khi mở đầu cuộc hát, người ta có bài vái thần, sau đó cuộc hát mới được phép bắt đầu. Đến khi xong ba đêm hát, người ta lại rước thần về miếu. Trong đêm hát bội thì những người chủ vạn cầm chầu. Ngày mở màn là ngày rằm tháng Giêng, nhưng việc chuẩn bị cho hát bội và đua thuyền tất nhiên là có từ trước.

Ở khúc sông Phú Thọ xưa kia vốn là bến thuyền nơi tàu buôn, tàu cá đậu (có gò đất một bên còn lưu truyền địa danh Gò Tàu), nên các thương thuyền cũng tham gia tích cực vào việc tổ chức hát bội và đua thuyền. Người ta phải đi quyên góp tiền bạc để chi phí cho cuộc đua.

Đã đua thuyền thì thuyền đua là không thể thiếu. Thuyền đua là loại thuyền chuyên biệt, đóng rất công phu. Thuyền đua xưa được đóng bằng gỗ huỳnh đàn, tre được chọn lựa rất kỹ, nan vót tròn để đan, mê được trát bằng cám gạo và dầu rái bóng. Mỗi thuyền chạm hình một con vật trong bộ tứ linh – Long, Ly, Quy, Phụng. Do phải đan đác, khắc chạm rất công phu, nên để đóng được một chiếc thuyền đua phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Ở làng An Đạo (nay thuộc xã Tịnh Long bên kia sông) và làng Vạn Tượng (nay thuộc xã Nghĩa Dũng ở phía tây) có những ê-kíp thợ chuyên đóng thuyền đua. Nhưng người làng Cổ Lũy xưa không sắm nổi thuyền đua. Mỗi lần đua, người Cổ Lũy thường phải lặn lội qua bên kia sông Trà Khúc để thuê thuyền.
 

Hội đua thuyền hằng năm ở Phú Thọ đã thực sự trở thành ngày hội của người dân cả tỉnh. Tuy nhiên, ngày nay, thi thoảng hội đua thuyền trên sông Phú Thọ mới được tổ chức. Sông nước Phú Thọ với các làng mạc nên thơ, hữu tình, với núi Thạch Sơn chứa chất huyền thoại, nghề cá thinh đạt, hứa hẹn sẽ là vùng đất có sức thu hút lớn đối với du khách, một khi các di tích và thắng cảnh được bảo vệ, tôn tạo tốt hơn và trường đua trên sông Phú Thọ dậy sóng hằng năm.

Dân các làng thuộc xã Tịnh Long ngày nay, xưa kia làm ăn khấm khá, nên sắm được nhiều thuyền đua. Được đồng ý cho thuê, thì người ta đem lễ vật, gồm trầu cau, qua miếu nơi đặt thuyền đua để cúng cáo trước khi rước.

Chủ vạn cùng người đi thuê cùng cúng. Cúng xong mới đưa thuyền về. Cũng có khi người các làng ở Tịnh Long đúng vào thời gian ấy cũng tổ chức bơi đua, thì đành thuê thuyền đua cũ, hoặc thuyền đua cũ cũng không có thì về dùng “ghe ngang” (thuyền đánh cá) để đua.

Thuyền đua ở Cổ Lũy được đặt ở miếu Nam Hải Đại Tướng Quân (cũng là miếu thờ Mãi Châu Thần Nữ). Trước khi đưa thuyền xuống “dợm” (tập dượt) người ta cũng phải vái cúng: Lễ vật là trầm trà hoa quả. Trai tráng trong làng được chọn đến tập dượt khoảng 5-6 ngày rồi mới bắt đầu cuộc đua.

Đêm hôm trước ngày đua, vào khoảng 11-12 giờ khuya, chủ vạn cúng trầm trà hoa quả, với gà giò, cháo trắng cúng các “Bà Ghe” và các âm hồn bến sông, bến nước. Ghe Long thì vái rồng, ghe Phụng thì vái phụng, ghe Quy thì vái rùa, ghe Ly thì vái ly. Việc cúng bái được tiến hành tại bến nước.

Cúng xong, người ta cho hạ thuỷ ghe thuyền vào khoảng 2-3 giờ sáng, cốt là để tránh người đi qua, thậm chí khi ghe hạ thuỷ, người ta còn phải chốt chặn các ngã đường để không cho người đi qua cho đến khi ghe thuyền hạ thủy xong. Trong thời gian tập dượt, trai tráng vẫn ở nhà mình.

Đến ngày hôm trước bước vào cuộc đua, thì những tay đua buộc phải ngủ tập trung, không được về nhà, cho đến hết cuộc đua. Sở dĩ như vậy là vì người đua phải kiêng ngủ với vợ. Việc ăn uống do ban tổ chức lo. Người trong nhà có tang, hoặc vợ có chửa thì có giỏi cũng không được tham gia cuộc đua. Dân các thôn, làng xóm hai bên sông Phú Thọ thường mỗi xóm có một đội, với một thuyền đua. Mỗi đội đua xưa kia gồm 18 người, gồm người “chèo dọc” như là trưởng đội, đứng ở sau cùng, “phách mũi”, sau phách mũi có “phách nhứt”, “phách nhì” và các thuỷ thủ.

Trường đua thường là ở khúc sông Phú Thọ ở bên chợ Phú Thọ, hoặc ở xóm Gành (tức quãng sông mà hội đua thuyền ngày nay tổ chức). Sở dĩ người ta chọn các điểm ấy, là vì nơi đây có nước sâu, sông thẳng, đôi bờ khách đều dễ dàng xem được. Người ta cho dựng một “bàn quan”, tức lều cho quan khách trọng vọng ngồi xem. Lều này dựng bằng tre, căng lợp bằng những lá đệm (lá làm cánh buồm). Mỗi đội lại cũng đem theo một chiếc trống lớn theo trên bờ để cổ động cho đội mình gắng sức đua bơi.

Khi hiệu lệnh trống nổi ba hồi, lại ba tiếng của ban tổ chức thì cuộc đua bắt đầu. Cuộc đua thuyền ở Phú Thọ kéo dài liên tiếp ba ngày. Vòng đua dài cả cây số và mỗi ngày phải thực hiện đến 12 vòng đua. Việc đua như vậy tốn rất nhiều công sức, rất mệt. Nhưng đội thắng cuộc, ngoài phần thưởng bằng tiền bạc và phẩm vật, còn được niềm vui bởi tin rằng trong năm mới xóm làng mình làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn. Cho nên, khi vào cuộc đua bơi, ai ai cũng gắng sức. Dân chúng từ các vùng xa tụ hội về, tiếng trống giục, tiếng reo hò cổ vũ vang động cả một khoảng trời...


Cao Chư



 


.