Mở rộng vùng công viên địa chất: Nhiều phát hiện mới có giá trị

09:10, 23/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo các chuyên gia, những giá trị di sản trong vùng mở rộng công viên địa chất ở tỉnh ta đủ các yếu tố để được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, các giá trị vật chất cần được kết nối thành một chuỗi thống nhất trong toàn bộ phạm vi công viên, đồng thời đẩy mạnh truyền thông quảng bá rộng rãi.

TIN LIÊN QUAN

Kết nối giá trị di sản

Qua các đợt khảo sát trên địa bàn huyện Lý Sơn và vùng phụ cận, các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đã khẳng định, Quảng Ngãi có nhiều giá trị địa chất, địa mạo độc đáo. Tuy nhiên, giá trị địa chất, địa mạo trên phạm vi Lý Sơn chưa đủ để đề nghị UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

 

Mũi Ba Làng An - nơi có dấu tích miệng núi lửa.      ẢNH: TL
Mũi Ba Làng An - nơi có dấu tích miệng núi lửa. ẢNH: TL


Đầu năm 2018, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn đã mời các chuyên gia đầu ngành tiếp tục nghiên cứu và mở rộng phạm vi khảo sát tại địa bàn các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Trà Bồng, Tây Trà, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi.

Theo Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam, TS.Trần Tân Văn: Qua khảo sát đã phát hiện thêm nhiều giá trị địa chất, địa mạo có ý nghĩa rất rõ ràng. Nhiều loại đá rất cổ, cách đây từ 1-2 tỷ năm. Các loại đá này có thể so sánh với các loại đá cổ ở các nước Châu Âu như Na Uy, Đan Mạch, Canada... Nhiều loại đá núi lửa trầm tích tương đương với đá núi lửa ở đảo Jeju (Hàn Quốc), hay ở Nhật Bản. Nhiều nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand đều ngỡ ngàng trước giá trị địa chất và quang cảnh ở Quảng Ngãi.

“Đến tháng 11.2019, Quảng Ngãi phải hoàn thiện hồ sơ về công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh trình UNESCO và sẽ được UNESCO thẩm định vào tháng 7.2020. Trong năm 2020 hoặc đầu năm 2021 sẽ có kết quả. Nếu đạt được thì đây sẽ là công viên địa chất toàn cầu thứ 3 của Việt Nam được UNESCO công nhận”.


Tổng Thư ký Công viên địa chất toàn cầu, TS.GUY MARTINI

Theo các chuyên gia, giá trị di sản vùng công viên dự kiến được chia theo cụm. Đối với cụm di sản đảo Lý Sơn hiện có nhiều thắng cảnh đẹp, là bảo tàng tự nhiên về núi lửa, san hô... Cụm ven biển phía bắc Quảng Ngãi có bãi biển đẹp, các vách đá bazan dạng cột, các bậc thềm mài mòn và ngấn nước biển.

Bên cạnh giá trị địa chất có tầm cỡ quốc tế, không gian lịch sử, văn hóa, khảo cổ học cũng vô cùng quý giá, như cụm di sản phía nam Quảng Ngãi có di chỉ văn hóa Sa Huỳnh... Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có di sản văn hóa đa dạng, lâu đời, gồm: Di tích khảo cổ từ thời đá cũ (30 vạn năm ở Gò Trá), đến tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh (3.000 năm); văn hóa Chămpa; văn hóa tín ngưỡng, lịch sử; văn hóa dân gian...

Bên cạnh đó, ở các địa phương còn có đa dạng sinh học, với nhiều loài sinh vật phong phú, một số loài được xếp vào dạng quý hiếm (nằm trong Sách đỏ của Việt Nam hoặc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế-IUCN).

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Minh Trí phân tích: Các giá trị địa chất, địa mạo được xem là phần “xác” của công viên, còn văn hóa Sa Huỳnh được xem là phần “hồn”. Tháng 7.2018, UBND tỉnh thống nhất đổi tên thành Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, nhằm kết nối các giá trị di sản trong vùng thành một khối tổng thể, để tạo sức nặng khi đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu.

Còn nhiều việc phải làm

Tổng Thư ký Công viên địa chất toàn cầu, TS.Guy Martini khuyến cáo: Việc xác định ranh giới và phạm vi của công viên địa chất; kết nối được Lý Sơn với những di sản địa chất trong vùng đất liền cùng những di sản về văn hóa Sa Huỳnh là hướng đi đúng đắn.

 

Các chuyên gia phát hiện ở vùng mở rộng công viên địa chất có nhiều địa chất, địa mạo giá trị.
Các chuyên gia phát hiện ở vùng mở rộng công viên địa chất có nhiều địa chất, địa mạo giá trị.

 

Tuy nhiên, Quảng Ngãi nên tiếp tục kiểm tra, nghiên cứu xem trong vùng công viên hiện có thêm di sản nào có giá trị để kết nối; thăm dò ý kiến chính quyền, người dân địa phương tham gia công viên địa chất. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa của công viên địa chất, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị.

Ông Nguyễn Minh Trí cho rằng: Hồ sơ chỉ là giấy tờ thủ tục, thực địa hoạt động như thế nào mới là quan trọng. Vì vậy, cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ, du lịch như: Xây dựng các tuyến, tour du lịch, xác định, khoanh vùng các điểm di sản, địa chất và có hệ thống biển báo, có trung tâm thông tin, bảo tàng, nhà trưng bày, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, hỗ trợ cộng đồng bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống.

Cùng với đó là xây dựng các mối quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, làm cho cộng đồng, xã hội hiểu về công viên địa chất, để bảo vệ và phát huy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


Bài, ảnh: MAI HẠ




 


.