"Đi tìm ký ức", tập thơ đầu tay của Nguyễn Hoài Ân. |
Mở đầu câu chuyện về việc xuất bản tập thơ “Đi tìm ký ức”, tác giả Nguyễn Hoài Ân bộc bạch: Nhà phê bình văn học người Nga Bielinxki cho rằng: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Vì vậy, tập thơ “Đi tìm ký ức” là tập hợp 79 bài thơ phản ánh đa diện về một thuở của chính mình. Đó là những ký ức không thể nào quên khi anh được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, của tuổi học trò nô đùa bên dòng sông Phước Giang êm đềm, của tình yêu đôi lứa thời vụng dại.
“Thơ Hoài Ân vừa mới chớm nở, nói đúng hơn là đã có những lóe sáng. Điều đó mở ra một chờ đợi mới trong dòng chảy truyền thống và đổi mới”.
|
Thơ chính là điểm tựa của thế giới nội tâm, là những rung động mãnh liệt, để rồi những lúc cô đơn trong cuộc đời, Nguyễn Hoài Ân đã thốt lên: “Ta về nhặt những ngày xưa/ Bâng khuâng nỗi nhớ chiều mưa ngại ngùng/ Xa rồi áo trắng mông lung/ Phượng hồng điểm đỏ một vùng yêu thương” (Xa rồi).
Có thể nói, thơ của Nguyễn Hoài Ân là tiếng đàn rung ngân làm xao xuyến bao người về một thời tuổi trẻ đầy mơ mộng: “Vô tư ngọn cỏ trong mắt biết/ Bến tương tư khe khẽ tiếng đàn ai” (Tìm).
Thơ của anh không chỉ tìm về ký ức mà như tìm một khát vọng trải nghiệm: “Đêm buồn như dài thêm/ Những nỗi buồn huyền hoặc” (Đâu rồi ngày xưa). Nhưng anh lại muốn chôn chặt nỗi buồn này vào trong tim như: “Con sâu cuộn mình trong phiến lá/ Giấu tị hiềm trong tổ kén xanh xao” (Mộng vô thường).
Nguyễn Hoài Ân cho rằng, có lẽ thơ là người thư ký trung thành của trái tim, nhưng thơ anh không phải là những trang giấy in nguyên vẹn cuộc đời. Anh đã biết chắt lọc, dùng nhiều thủ pháp nghệ thuật để làm nên những vần thơ rung động lòng người. Tuy nhiên thơ không làm Nguyễn Hoài Ân bi lụy trước cuộc đời. Anh quan niệm rằng: Thơ chỉ là một cuộc dạo chơi bên lề cuộc sống như người bạn tri kỷ để giãi bày cảm xúc trong những lúc cô đơn.
Bài, ảnh: MAI HẠ