Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh:
Hướng đi đúng để trở thành công viên địa chất toàn cầu

10:10, 11/10/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Đưa Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh trở thành công viên địa chất toàn cầu là một trong những mục tiêu quan trọng của Quảng Ngãi. Để làm được điều này, tỉnh đang vạch ra những hướng đi đúng đắn với sự hỗ trợ tích cực của giới khoa học và các nhà khảo cổ học trong nước và thế giới.
 
 
Trầm tích núi lửa ở Lý Sơn hay Bình Châu có niên đại hàng tỷ năm. Hay những lớp đá cổ ở Trà Bồng, Tây Trà với hàng nghìn năm tuổi. Tất cả những giá trị địa chất này đều nằm trong phạm vi công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh đã được các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng và nhận định là rất quý hiếm và độc đáo.
 
Theo Tiến sĩ Trần Tân Văn- Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam, với những gì đang có ở công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh, Quảng Ngãi có thể tự tin công bố với thế giới rằng tỉnh đang có một bảo tàng địa chất ngoài trời.
 
“Tôi lấy ví dụ như các miệng núi lửa ở Lý Sơn với niên đại hàng nghìn năm thì có giá trị ngang ngửa với khu vực núi lửa ở các công viên địa chất toàn cầu tại Hàn Quốc, Nhất Bản”- Tiến sĩ Trần Tân Văn khẳng định.

 

Với những giá trị di sản về địa chất, địa mạo, công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh được xem là một bảo tàng địa chất ngoài trời vô cùng độc đáo, quý hiếm
Với những giá trị di sản về địa chất, địa mạo, công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh được xem là một bảo tàng địa chất ngoài trời vô cùng độc đáo, quý hiếm
 
 
Bên cạnh các di sản địa chất mang tầm cỡ quốc tế thì công viên địa chất Lý Sơn còn chứa đựng những di sản văn hóa, khảo cổ học, lịch sử vô cùng nổi tiếng. Điển hình là văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa, văn hóa Người Việt thời cận đại, hiện đại. Các nhà khoa học đã ví von, nếu các di sản địa chất, địa mạo được xem là phần “xác”, thì phần “hồn” của công viên nằm ở không gian văn hóa Sa Huỳnh.
 
Tại Hội nghị thông tin về công viên địa chất Lý Sơn mới đây, Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh đã đưa ra những thông tin quan trọng. Trong đó, Quảng Ngãi đã thống nhất mở rộng Công viên địa chất Lý Sơn trải dài ra 8 địa phương: Lý Sơn- Bình Sơn- Trà Bồng- Tây Trà- Tư Nghĩa- TP. Quảng Ngãi- Mộ Đức- Đức Phổ.
 
Các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ học trong nước và quốc tế cho rằng, việc mở rộng diện tích của Công viên địa chất Lý Sơn như hiện nay là rất hợp lý, có tiềm năng rất lớn để hình thành một Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
 
Tiến sĩ Guy Martini – Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Tổng thư ký GGN chia sẻ: Đến hiện tại thì Quảng Ngãi làm rất tốt, theo một cái hướng mà tôi nghĩ rằng rất là đúng đắn. Đầu tiên đó là xác định ranh giới và phạm vi của công viên địa chất. Quảng Ngãi đã kết nối được Lý Sơn với những di sản địa chất trong vùng đất liền cũng những di sản về văn hóa về Sa Huỳnh.
 
Lộ trình hướng đến là trình hồ sơ về công viên địa chất Lý Sơn cho UNESCO vào khoảng tháng 11.2019 và sẽ được UNESCO thẩm định vào tháng 7.2020. Trong năm 2020 hoặc đầu năm 2021, chúng ta sẽ đón nhận kết quả. Nếu đạt được thì đây sẽ là công viên địa chất toàn cầu thứ 3 của Việt Nam được UNESCO công nhận.

 

Hoạt động thực địa với việc thu hút khách du lịch, sự tham gia bảo vệ di sản của cộng đồng là điều kiện đủ để Lý Sơn- Sa Huỳnh trở thành công viên địa chất toàn cầu
Hoạt động thực địa với việc thu hút khách du lịch, sự tham gia bảo vệ di sản của cộng đồng là điều kiện đủ để Lý Sơn- Sa Huỳnh trở thành công viên địa chất toàn cầu.
 
 
Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động xúc tiến cho việc lập hồ sơ trình UNESCO về công viên địa chất Lý Sơn đang đi đúng hướng, được các tổ chức quốc tế và cả Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đánh giá cao. Tuy nhiên, điều kiện đủ để Quảng Ngãi có một công viên địa chất toàn cầu lại nằm ở hiệu quả các hoạt động thực địa.
 
Nếu không tổ chức được các hoạt động thực tế trong khuôn viên công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh, thì những nỗ lực về nghiên cứu giá trị di sản chỉ là những tài liệu nằm trên giấy. Hiểu được điều này, Quảng Ngãi đang vạch ra những kế hoạch tiếp theo.
 
Ông Nguyễn Minh Trí- Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định: Chúng ta phải xây dựng được các tuyến du lịch, tour du lịch, xác định, khoanh vùng được các điểm di sản, địa chất và có hệ thống biển báo, có trung tâm thông tin và có hoạt động cụ thể trong công viên địa chất. Điều này phụ thuộc lớn vào động thái của ngành chức năng và cả sự tham gia của cộng đồng.
 
Ông Guy Martini cũng khẳng định: Với sự vào cuộc một cách rất là tích cực, rộng khắp của chính quyền và cộng đồng địa phương các cấp của Quảng Ngãi thì chúng tôi rất tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh sẽ là công viên địa chất toàn cầu.
 
Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh nếu được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu thì sẽ là cơ hội lớn cho tỉnh Quảng Ngãi trong phát triển triển kinh tế - xã hội, tạo dựng thương hiệu du lịch mang tính bền vững cho địa phương.
 
Các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế còn cho rằng, khi Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh được công nhận thì nó còn mang ý nghĩa Quốc tế lớn, trở thành công viên địa chất của hòa bình, kết nối tình hữu nghị.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
 
 

 


.