Ngày khai giảng

05:09, 03/09/2018
.

Truyện ngắn Y NGUYÊN


1. Mới đó đã hết hè! Bước chân tháng 6 ngày nào vừa rộn rã gõ lanh canh thềm nhà theo niềm vui (được nghỉ) của đám học trò giờ đã xa tít phía sau, nhường chỗ cho những náo nức lặng thầm của nhịp đi tháng 8. Mùa thu đang lượn lờ bên khung cửa sổ phòng riêng của chị mỗi sáng tinh mơ se lạnh, nhắc nhở sắp đến lúc tựu trường. Tín hiệu ấy người thường có thể không nhận ra nhưng chị là nhà giáo. Chị yêu những mùa khai giảng. Yêu cái không khí long trọng, trang nghiêm, nhưng cũng đầy ấm áp thân thương của buổi tựu trường. Yêu tiếng trống khai trường vang từng tiếng tùng tùng đĩnh đạc, trầm hùng sau ba tháng ròng rã lặng im. Yêu từng khuôn mặt đồng nghiệp, bạn bè đã bao lâu cùng chia ngọt sẻ bùi - chia cả những khổ ải gian lao - trong cùng một hội đồng sư phạm. Đương nhiên, yêu nhất vẫn là những đứa học trò- những khuôn mặt trẻ thơ cũ có mới có - đang lũ lượt xếp hàng, giỡn cười chí chóe. Lúc như ong về tổ. Lúc lại tựa đàn bướm rập rờn túa bay...
Khai trường rồi.


2. Cô bé chạy lòng vòng từ đầu đến cuối hành lang, mắt dáo dác. Em sao vậy, sao chưa vào lớp? Thưa cô, em... em tìm hông ra lớp! Cái giọng mếu máo dường như sắp khóc. Trời, hôm tập trung phân lớp em không đi sao? Dạ, em..., em phải phụ mẹ... Hiểu. Miền quê nghèo với ba phần tư dân số còn vất vả từng bữa chạy ăn, thì chuyện tới trường được chăng hay chớ là lẽ đương nhiên. Ký ức chợt hiện về. Chị như thấy lại hình ảnh mình nơi cô học trò lớp 6 tội nghiệp kia...

Em đi xuống phòng hội đồng mà hỏi. Nhớ khai rõ họ tên, khối nào để các thầy kiếm giúp. Cứ chạy lòng vòng vậy sao tìm ra? Cô bé “vâng” một cách đầy lo lắng, miễn cưỡng lê chân đến phòng hội đồng. Nhìn kiểu đi “hai bước tiến một bước lùi” của cô trò nhỏ chị thấy vừa mắc cười vừa tội nghiệp. Đổi ý, chị xoay lưng, quày quả lại cầm tay cô bé dắt đi...

3. Hồi lớp 8, cô giáo Văn ra đề tập làm văn “Ngày khai giảng của em”. Lần đầu tiên, bài văn chị viết được cô cho 8 điểm. Mắc cười ở chỗ nó gần như hoàn toàn... chuyện bịa, bởi thật sự trong bộ nhớ của chị chưa hề có ký ức khai giảng. Nói không ai tin, nhưng dường như trời sinh chị không đủ phước để hưởng cái “lộc” được... dự khai giảng. Bao giờ cũng là một thứ lý do nào đó - đặc biệt những năm “trọng đại” như chuyển trường, chuyển cấp học...

Lớp 1 là nhập học trễ do trục trặc giấy tờ khai sinh. Lên lớp 6, lớp 10 dính... mùa gặt, ở nhà phụ việc (kết quả là phải chạy ngược chạy xuôi kiếm lớp đỏ mắt như cô học trò chị vừa dắt đi ban sáng). Vào Cao đẳng Sư phạm hơi có khác chút. Mùa vẫn bận rộn, nhưng sinh viên rồi nên mẹ đặc cách, không “cột cẳng” chị ở nhà phụ cào lúa ôm rơm như mọi năm. Vậy nhưng, mẹ há  hốc ngạc nhiên thấy chị lắc đầu từ chối vụ đi khai giảng, tình nguyện ở nhà cào lúa ôm rơm. Mẹ vui như chưa từng được vui, lầm thầm bảo ba: Con nhỏ lớn thiệt rồi, biết nghĩ... Nghĩ gì mà nghĩ; mẹ đâu biết “tổ con chuồn chuồn” ở chỗ cái áo dài mẹ mới may xấu quá, tà trước xách ngược, cho kẹo con gái cũng chẳng dám mặc vào để ló tới trường! Lan man chuyện cũ khiến chị bật cười. Chắc đó cũng một phần nguyên do khiến sau này -  khi đã làm thầy - chị hay quan tâm tới những đứa học trò đi học với bộ dạng khép nép rụt rè trong một tà áo lỡ may thô vụng...

4. Giờ thì trong nhà chị có cả một tủ áo dài “tương đối”. Không phải hoang phí. Đúng hơn, nó như sự đền bù cho những tháng năm cơ cực ngày xưa. Nỗ lực xứng đáng cần được đền bù. Chị đã nỗ lực và giờ niềm vui của chị là những bộ áo dài được may cách điệu theo nhiều kiểu dáng và phong cách khá độc đáo để mặc luân phiên mỗi lần bước lên bục giảng. Những bộ áo ấy đa phần được chị đặt may dịp cuối hè, để kịp “ra mắt” lần đầu tiên trong ngày khai giảng. Mặc kệ đời học sinh với bao lần “lỡ hẹn”, trong tâm thức chị, khai giảng vẫn luôn là ngày  trọng đại, yêu thương và ý nghĩa nhất trong cuộc hành trình “đưa đò” chị đã chọn và nỗ lực một đời gửi gắm ước mơ. Ngày ấy, bao giờ chị cũng dậy từ rất sớm, tắm gội trang điểm, mặc chiếc áo dài mới may (đương nhiên đẹp nhất) và đến trường đầu tiên. Chọn một góc khuất nơi hiên trường, chị sẽ bắc ghế ngồi đó chỉ để... nhìn.

Nhìn toàn cảnh sân trường trong buổi tinh sương tháng 9. Căng ngực mà hít thở, thu tóm trọn vào buồng phổi hương đất trời, hương hoa lá cỏ cây đang bàng bạc vào thu. Còn nữa, gắng “thâu tóm” bằng mọi giác quan cái không khí rộn ràng, náo nức, hân hoan khi từng tốp học trò lũ lượt bước qua cổng trường đang mở toang hết cánh. Ban đầu còn lác đác. Sau đó càng lúc càng đông. Không khó để nhận ra những tốp học trò đầu cấp rụt rè bỡ ngỡ bên phong thái  bạo dạn, tự tin của các “anh chị” đã nhiều năm quen trường quen lớp. Xế góc trước phòng ban giám hiệu là cảnh các đồng nghiệp gặp nhau tay bắt mặt mừng. Hình như hôm nay trông ai cũng rạng rỡ, trẻ trung ra. Mùa hè không khiến những nhà giáo già đi mà còn ngược lại; đó là điều chị bất chợt nhận ra khi quan sát từ xa những “đồng đội” trong một ngày đặc biệt như hôm nay...

Loa phóng thanh báo đến giờ tập họp. Đã đến lúc rời khỏi góc khuất để về nơi làm lễ. Thực tình, chị chỉ muốn ráng thêm chút nữa cho cảm xúc lắng xuống, tan chảy trọn vẹn vào tim. Khung cảnh “tiền khai giảng” với chị bao giờ cũng mang ý nghĩa nhân đôi. Ít ai biết hơn nửa đời gắn liền cùng bảng đen phấn trắng, điều day dứt nhất trong chị là món nợ bài văn viết về ngày khai giảng. Lẽ ra, nó phải là một bài văn viết bằng ký ức sống động in hình từ khối óc, bằng cảm xúc trào dâng thật sự từ con tim, chứ không phải là chuyện bịa được cóp ra từ những bài văn mẫu in trong sách giáo khoa. Bài văn ấy, nếu được viết lại một lần, hẳn chị sẽ có rất nhiều chuyện để kể thêm, viết thêm. Có điều, đương nhiên nó không còn là trang viết của tuổi học trò.../.
 


.