(Baoquangngai.vn)- Tỉ mỉ trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất, lão nông Huỳnh Tấn Kỹ (82 tuổi) ở thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện, Nghĩa Hành đang miệt mài với các công đoạn để cho ra bánh xe nước thu nhỏ với những bộ phận và kết cấu giống hệt những chiếc bánh xe nước cỡ lớn xuất hiện nhiều vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ XX.
Một bờ xe nước gồm có nhiều bánh xe nước, là hình ảnh gắn liền với quá trình “dẫn thủy nhập điền” niềm tự hào một thời của ngành nông nghiệp xứ Quảng. Cùng với sông Trà Khúc thì sông Vệ cũng là một trong những nơi có nhiều bờ xe nước nhất Quảng Ngãi thời bấy giờ.
Thợ tay ngang… sản phẩm ngang cỡ nghệ nhân
Vốn là người sinh ra và lớn ở vùng đất ven sông Vệ này, hơn nữa phía sau nhà lúc xưa là bờ xe nước cung cấp nước tưới tiêu cho cả cách đồng rộng hàng chục hecta nên hình ảnh bờ xe nước không xa lạ gì đối với ông Kỹ.
Tuy không sinh ra trong gia đình có truyền thống làm bờ xe nước và cũng chưa bao giờ thực hành làm một bánh xe nước thực thụ bao giờ, nhưng qua một lần được một người quen ngỏ lời nhờ làm giúp một bánh xe nước thu nhỏ để trưng bày, ông Kỹ đã nhận lời và hơn cả tháng nay ông vẫn đang cặm cụi cho ra những sản phẩm tiếp theo.
“Lúc đầu nhận làm tôi cũng ngờ ngợ không biết sản phẩm làm ra có làm hài lòng mọi người hay không. Nhưng hình dáng chiếc bánh xe nước hồi xưa dường như đã in sâu trong đầu mình, nên thôi thúc bản thân làm cho bằng được”, ông Kỹ trãi lòng.
|
Ông Kỹ chăm chút từng chi tiết nhỏ để cho ra một bánh xe nước ưng ý nhất |
Cũng theo ông Kỹ, tuy là bánh xe nước thu nhỏ nhưng mọi thành phần và kỹ thật làm cũng phải y như lúc trước những người thợ làm ra chiếc bánh xe nước cỡ lớn. Chú trọng đến từng khâu thứ tự để cho ra một bánh xe nước hoạt động trơn tru mà cứng cáp.
Ông Kỹ chọn tre làm vật liệu chủ đạo cho chiếc bánh xe nước của mình, loại tre được dùng phải là tre già mọc trên núi, có độ dày và chắc thịt hơn tre trồng ven sông. Tất cả các bộ phận như vĩ, cây tréo,.. đều được làm bằng tre. Bộ phận cần dùng đến gỗ duy nhất của bánh xe đó chính là trục xoay, gỗ được chọn làm trục phải là gỗ có lõi chắc như sao đen, ké,...
Để cho ra một bánh xe nước chân thật đến từng chi tiết, lão nông 82 tuổi đã rất cẩn thận trong quá trình thực hiện cũng như khâu chọn vật liệu cho từng công đoạn khác nhau. Đặc biệt, để cố định khoảng cách giữa các cây tréo với nhau, ông ưu tiên dùng dây mò tró (một loại dây dại mọc trong rừng, có độ dẻo dai và bền bỉ qua nhiều năm), do đích thân người con trai của ông phải lên tận núi cao để tìm mang về.
|
Dây mò tró dùng để buộc thay cho đinh vít |
Sau gần nửa tháng chăm chút cho sản phẩm đầu tiên, lão nông này đã cho ra thành phẩm đầu tay trong sự ngỡ ngàng của người thân và bà con hàng xóm. Đáng nói, trong quá trình làm ông không tham khảo qua nguồn sách vở, tư liệu hay mạng internet, ông vẫn có thể làm ra chiếc bánh xe nước giống y đúc như những chiếc bánh xe nước cỡ lớn thuở nào.
“Chiếc bánh xe nước của ông Kỹ làm giống hệt như mấy bánh ở bờ xe nước hồi xưa, không chê vào đâu được. Ở đây từ trước giờ chưa ai làm được như ông Kỹ, lâu lắm rồi bà con ở đây mới lại thấy hình ảnh chiếc bánh xe nước năm xưa”, ông Võ Thế Sang hàng xóm của ông Kỹ, chia sẻ.
Thay lời muốn kể…
Ngay sau khi hoàn thành chiếc đầu tiên, tiếng lành đồn xa, ngay hôm sau lại có người đến đặt lão nông 82 tuổi này làm giúp 4 bánh xe nước khác, nên mấy ngày này ông Kỹ luôn tất bật với tre, đồ nghề.
Ông Kỹ cho biết, lúc trẻ từng có quãng thời gian mấy năm liền theo nghề thợ mộc, nên có hiểu biết chuẩn mực và sự điêu luyện nhất định. Cái đầu tiên vừa làm, vừa suy nghĩ nên mất nhiều thời gian, nhưng mấy cái sau này quen tay nên chỉ khoảng 4-5 ngày là xong một chiếc bánh xe nước.
Nối tiếp cơ duyên, con trai của ông Kỹ mới đây cũng đã nhờ ông làm giúp thêm mấy bánh xe nước để mang vào thành phố. Chia sẻ với chúng tôi, ông Kỹ không dấu nổi niềm vui khi việc làm của ông được con cháu quan tâm và vui hơn nữa khi ông được kể cho thế hệ sau về kỉ niệm những bờ xe nước trên con sông quê mình.
Từ trước đến nay, nhắc đến bờ xe nước thì mọi thường nghĩ đến những bờ xe nước với những bánh xe “khổng lồ” ở sông Trà Khúc, chứ ít có người nói về những bờ xe nước dọc theo sông Vệ. “Tính sơ sơ lúc trước, dọc theo sông Vệ đoạn từ thôn Vạn Xuân 2 (Hành Thiện, Nghĩa Hành) đến thôn Mỹ Hưng (Hành Thịnh, Nghĩa Hành) cũng đã có độ hơn 8 bờ xe nước cỡ lớn hoạt động. Tính đến Mộ Đức nữa thì càng nhiều hơn. Bờ xe nước ở sông Vệ cũng to không kém nơi nào, mỗi lần đóng hay lắp bánh xe vào bờ trên sông thì cần đến vài ba chục người mới làm nổi”, ông Kỹ nhớ lại.
|
Sản phẩm đầu tiên của ông Kỹ nhận được nhiều lời khen. |
Mặc dù ngày nay dấu tích về những bờ xe nước đã không còn, nhưng với nhiều người thì kỉ niệm một thời gắn liền với những bờ xe nước trên con sông quê yêu thương vẫn còn mãi và qua việc làm đầy ý nghĩa của ông Kỹ góp phần làm cho nguồn kí ức đó bền lâu hơn.
P.Guillenmiet trong công trình “Một ngành công nghiệp An Nam: Các guồng xe nước ở Quảng Ngãi” (1926) cho rằng, các xe nước xuất hiện sớm nhất ở Quảng Ngãi là ở sông Vệ vào năm 1740, cụ thể là xe nước ở làng Bồ Đề (nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức). |
Trần Tươi