(Báo Quảng Ngãi)- Sáng 17.8, tại đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), Sở VH-TT&DL long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 154 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20.8.1864-20.8.2018).
Phó Giám đốc phụ trách Khu chứng tích Sơn Mỹ Cao Thị Hồng Hạnh cho biết, Ban quản lý đã chuẩn bị chu đáo từ việc trang trí đền thờ, chỉnh lý nội dung trưng bày... để phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương nhân ngày tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết.
Nhiều đoàn học sinh đến viếng hương, tìm hiểu về lịch sử của Anh hùng dân tộc Trương Định. |
Lịch sử về Anh hùng dân tộc Trương Định được nhân dân cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng khắc ghi với niềm tự hào và tri ân. Anh hùng dân tộc Trương Định sinh năm 1820, người làng Tư Cung, nay là xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Năm 24 tuổi, ông theo cha vào Nam và lập gia đình tại huyện Tân Hòa, nay là huyện Gò Công (Tiền Giang). Năm 1854, Trương Định xuất tiền của chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận. Ông được phong chức phó quản cơ, rồi quản cơ.
Tháng 2.1859, khi Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công. Năm 1862, triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức lãnh binh ở An Giang. Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại Nguyên Soái do nhân dân suy tôn, tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp.
Rạng sáng 20.8.1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám Lá Tối Trời, Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng. Trương Định là hình ảnh tiêu biểu của nhân dân Gò Công, nhân dân Nam Bộ bất khuất chống giặc Pháp xâm lược vào thời điểm chúng vừa đặt chân lên đất nước ta. Ông cũng là người con ưu tú, góp phần làm rạng rỡ quê hương Quảng Ngãi kiên cường.
Hằng năm, vào khoảng ngày 17-19.8, Sở VH-TT&DL tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Trương Định. Ông Nguyễn Hồng Mân (64 tuổi), ở thôn Tư Cung (xã Tịnh Khê), thành viên Ban tế lễ cho biết, các thành viên trong Ban tế lễ thường tập trung về đền thờ trước một ngày diễn ra lễ giỗ để chuẩn bị mọi mặt, nhằm đảm bảo cho các nghi lễ diễn ra trang nghiêm theo đúng truyền thống.
"Lễ giỗ thể hiện tấm lòng tôn kính, tri ân của nhân dân đối với vị Anh hùng dân tộc Trương Định kiên trung, bất khuất. Đây cũng là dịp để nhắc nhở cháu con ghi nhớ công ơn của những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước để có được nền độc lập dân tộc như ngày hôm nay", ông Mân nói.
Lễ tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trương Định hằng năm, đã trở thành ngày lễ lớn của nhân dân trong tỉnh, nhất là đối với người dân xã Tịnh Khê, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng tự hào dân tộc và truyền thống yêu nước của người dân đất Việt mà Trương Định là một trong những tấm gương tiêu biểu.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG