Khơi dậy niềm đam mê bài chòi

09:08, 26/08/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Với đặc thù riêng biệt, nghệ thuật bài chòi đang nhận được nhiều “ưu ái”, nhất là kể từ khi Unessco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Dân ca bài chòi không chỉ có sức hấp dẫn đối với người mộ điệu mà còn đang khơi lòng, truyền lửa nhanh chóng đến lớp trẻ.

TIN LIÊN QUAN

Thắp lửa đam mê
 
Cùng với những diễn viên bài chòi chuyên nghiệp, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi cũng đang nỗ lực đi tìm, phát hiện những nhân tố mới. Nơi đây, nhiều tháng qua nhận được sự quan tâm, yêu mến của nhiều người trẻ yêu thích bài chòi, nhất là sau sự kiện nghệ thuật bài chòi được Unessco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. 
 
Cách đây hơn hai tháng, qua sự giới thiệu của người thân, em Huỳnh Thị Trà Giang, 17 tuổi, học sinh Trường THPT Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi) đã trở thành một “hạt nhân” mới của trung tâm, sau khi các nghệ sĩ, diễn viên thẩm âm, kiểm tra giọng hát. 
 
Diễn viên bài chòi Trần Thị Mỹ Lệ giới thiệu, Trà Giang hội tụ đầy đủ yếu tố thanh và sắc. Đặc biệt, em bộc lộ rõ niềm đam mê với loại hình nghệ thuật truyền thống, khác với nhiều bạn trẻ đồng trang lứa yêu thích các thể loại nhạc thị trường. 
 
Minh chứng cho tài năng của mình, cùng với tiếng gõ nhịp của chiếc song loan trên tay của diễn viên Mỹ Lệ, Trà Giang “đãi khách”, các anh, chị nghệ sĩ bằng những câu hát bài chòi ngọt ngào, hài hước, lúc trầm, lúc bổng: “Rừng đẹp, rừng đẹp, rừng đẹp thêm hoa nở suối reo. Khi nắng lên chim vui mừng tìm bạn, khi nắng lên chim vui mừng tìm bạn. Chim quanh quẩn í a lưng đèo, a í a, lưng đèo chim ca...”.
 
Nếu không gặp mặt, chắc chẳng ai tin, giai điệu luyến láy, ngân nga không khác gì một nghệ sĩ chuyên nghiệp lại được hát bởi một cô gái chỉ vừa mới 17 tuổi và chỉ học bài chòi trong một thời gian rất ngắn. 
 
 
Trà Giang cùng các nghệ sĩ, diễn viên bài chòi tập luyện cho liên hoan toàn quốc sắp đến.
Trà Giang (thứ 3 từ trái sang) cùng các nghệ sĩ, diễn viên bài chòi tập luyện cho liên hoan toàn quốc sắp đến.
 
Trà Giang khoe, đây là một trích đoạn trong vở “Núi rừng năm ấy”. Trong vở này, em vinh dự được trung tâm tạo điều kiện, cho nhận vai nữ chính Y Mai biểu diễn cùng một diễn viên nam tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc sắp đến.
 
“Chỉ mới đến trung tâm sinh hoạt, trong khi đó liên hoan lại cận kề, bằng năng khiếu và sự cảm thụ nghệ thuật bẩm sinh của mình, em đang nỗ lực hết mình để gặt gái được những thành tích cao nhất tại liên hoan, xứng đáng với sự kỳ vọng. Sau đó, em mới dành nhiều thời gian để tìm hiểu chuyên sâu về bài chòi”, Trà Giang bộc bạch.
 
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi Trịnh Công Sơn cho hay, nếu không có những người trẻ yêu dân ca truyền thống, không kịp thời truyền dạy đến các bạn thì đến khi những nghệ sĩ gạo cội nằm xuống, chắc chắn bài chòi khó lòng giữ được.
 
"Chúng tôi đang nóng lòng để làm thế nào lan tỏa ngọn lửa đam mê đến tất cả mọi người và luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho người trẻ có năng khiếu, niềm đam mê như Trà Giang đến tìm hiểu, học hỏi để cùng bảo tồn, phát triển nghệ thuật bài chòi ở Quảng Ngãi ngay từ bây giờ”, ông Sơn nói.
 
Hào hứng học 
 
Huyện Mộ Đức cũng vừa tổ chức xong lớp truyền dạy hát dân ca bài chòi và cách thức tổ chức chơi bài chòi cho các học viên trên địa bàn huyện, dưới sự giảng dạy của nghệ sĩ dân ca bài chòi nổi tiếng Thu Hương, đến từ Quảng Nam. Đây chính là một “tín hiệu” vui, là sự nỗ lực của địa phương để “hồi sinh” bài chòi, sau một thời gian bài chòi dường như bị mai một. 
 
Điều đáng mừng, lớp bài chòi có rất đông những “nghệ sĩ” là người trẻ, chủ yếu trong độ tuổi đôi mươi, giàu nhiệt huyết và tiềm năng phát triển trong việc phổ biến nghệ thuật bài chòi trên địa bàn huyện.
 
 
Bé Phúc
Bé Phúc (thứ 3 từ phải sang) cùng các anh chị học viên theo học lớp bài chòi.
 
Nổi bật lên là em Trần Thị Diễn Phúc (14 tuổi), học sinh lớp 9, trường THCS Nguyễn Bá Loan, xã Đức Nhuận. Dù không nằm trong danh sách đề cử đi học, thế nhưng vừa nghe có lớp truyền dạy bài chòi, em đã mạnh dạn nhờ người thân chở đến và một mực xin cô giáo cho theo học bằng được.
 
Được ưu tiên một “tấm vé”, chỉ sau thời gian ngắn, Phúc có thể hát được những giai điệu lúc ngọt ngào, sâu lắng, lúc lại tươi vui, khí thế như Hò chèo thuyền Lý vọng phu, “Quảng Ngãi tình quê”, “Cô gái Ba Tơ dưới cờ khởi nghĩa”, “Ông Xã bà Đội”...
 
“Ban đầu mình cứ ngỡ là khó. Nhưng chính sự mộc mạc và giản dị, gần gũi, dễ đi vào lòng người của bài chòi khiến em càng học, càng thích thú hơn và quyết tâm gắn bó với bài chòi. Khi hát được rồi, mình cảm nhận nó rất hay, “nghiện” lúc nào không biết”, Phúc bày tỏ.
 
 
Thời gian qua, huyện Mộ Đức đã tạo điều kiện cho người trẻ tham gia học, biểu diễn, tham gia bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi.
Thời gian qua, huyện Mộ Đức đã tạo nhiều điều kiện cho người trẻ tham gia học, biểu diễn, tham gia bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi.
 
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộ Đức Võ Việt Cường cho biết, “độ chín” về cảm thụ bài chòi của những người trẻ tuy không bằng những người lớn tuổi. Thế nhưng, các bạn tiếp thu rất nhanh và đây chính là lực lượng có thể truyền đạt, phổ biến bài chòi đến công chúng một cách dễ dàng nhất.
 
Ông Cương cho biết thêm, trong thời gian đến, ngành văn hóa địa phương sẽ phối hợp ngành giáo dục đưa dân ca bài chòi tích hợp trong trường học. Đồng thời, tổ chức một không gian sinh hoạt bài chòi ngay tại trung tâm thị trấn mà nòng cốt chính là các học viên tại lớp để họ có điều kiện bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng luyến láy, nghệ thuật diễn xướng để phục vụ đời sống tinh thần cho người dân địa phương”. 
 
Nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, một người đã dành nhiều tâm huyết cho các dự án phục hồi và phát huy dân ca, bài chòi Quảng Ngãi, chia sẻ: “Sự hào hứng tham gia của đông đảo của các em là tín hiệu vui cho thấy lớp trẻ đã biết trân quý, yêu thích nghệ thuật bài chòi của cha ông. Nhìn thấy được sự đồng lòng, chung sức của chính quyền các cấp, đặc biệt là thế hệ trẻ, tin tưởng rằng, rồi đây loại hình này sẽ lại trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đất Quảng”.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 
 

.