Cần trùng tu, quản lý các di tích lịch sử, văn hóa

04:08, 11/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đến nay còn nhiều di tích chưa được trùng tu, tôn tạo, khoanh vùng bảo vệ.

Thực tế cho thấy, do công tác phân cấp quản lý di tích lịch sử, văn hóa còn nhiều bất cập, nên hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích bị xâm phạm, xuống cấp. Hiện nay, có 107 di tích có quyết định bảo vệ, nhưng hồ sơ còn sơ sài, chưa đủ cơ sở để trình UBND tỉnh xếp hạng nhằm bảo vệ; có 65 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và cấp tỉnh đang xuống cấp, cần được đầu tư tôn tạo. Ngoài ra, trong tổng số 124/231 di tích được xếp hạng thì có khoảng 60 di tích chưa được cắm mốc bảo vệ; có 20/124 di tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) cần được đầu tư để phát huy giá trị của một di tích lịch sử.
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) cần được đầu tư để phát huy giá trị của một di tích lịch sử.


Phó Phòng VH-TT huyện Mộ Đức Võ Hoài Linh cho biết: Toàn huyện có 33 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia và 31 di tích được xếp hạng. Huyện đã xây dựng đề án trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh giai đoạn 2017 – 2020.
 

Toàn tỉnh hiện có 231 di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia và 94 di tích cấp tỉnh và 107 di tích UBND tỉnh có quyết định bảo vệ.

Theo đó, đến cuối năm 2020 sẽ có 50% di tích và đến 2025 có 70% di tích hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo; 100% di tích được bảo tồn, quản lý theo quy định... TP.Quảng Ngãi cũng đang tập trung kiện toàn Ban Quản lý và xây dựng nội quy bảo vệ các di tích; phối hợp tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di tích...

Trưởng Phòng VH-TT TP.Quảng Ngãi Phạm Thị Phương Nhung cho rằng, vấn đề trùng tu tôn tạo di tích cần nguồn kinh phí khá lớn, phòng đã xây dựng kế hoạch chi tiết, nếu được phân khai kinh phí thì sẽ thực hiện trong thời gian đến.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức kiểm kê, phê duyệt và công bố danh mục kiểm kê di tích; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích; ban hành quy chế quản lý, khai thác di tích lịch sử, văn hóa phục vụ du lịch...

UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng các di tích đã được công nhận và có quyết định bảo vệ; cắm mốc giới, xây dựng bia, bảng chỉ dẫn bảo vệ di tích; nhất là xây dựng nội quy bảo vệ di tích và hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích; rà soát, kiểm tra những di tích bị xâm hại để có biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất...


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

 


.