Lý Sơn: Một truyền thống, một bản sắc (kỳ cuối)

02:07, 05/07/2018
.

TIN LIÊN QUAN


Kỳ cuối: Đánh thức tiềm năng văn hóa biển, đảo

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ là nơi lưu giữ những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Tổ quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà Lý Sơn còn là một bảo tàng văn hóa biển, đảo sống động, với nhiều di sản quý hiếm được gìn giữ từ ngàn đời nay. Đây còn là nơi có những di sản thiên nhiên hiếm có trên thế giới, và ở mảnh đất này còn có những con người giàu lòng quả cảm...   

Những ngày ở Lý Sơn, chúng tôi thấu hiểu rằng, Lý Sơn là vùng đất giàu tiềm năng văn hóa biển, đảo. Người dân Lý Sơn hôm nay có quyền tự hào và lấy đó làm thế mạnh để phát triển mạnh mẽ trong những năm đến.  

 

"Với những di sản địa chất có giá trị quốc tế, di sản văn hóa đặc sắc được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao, tỉnh Quảng Ngãi quyết định chọn Lý Sơn là vùng lõi để xây dựng Công viên địa chất theo tiêu chí của UNESCO. UBND tỉnh đang phối hợp với các cơ quan Trung ương tích cực triển khai xây dựng, vận hành Công viên địa chất Lý Sơn và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Hướng phát triển bền vững được đưa ra là xây dựng công viên gắn kết di sản với cộng đồng. Chính người dân sẽ được hưởng lợi từ di sản và trực tiếp bảo vệ di sản".


Phó Chủ tịch UBND tỉnh
PHẠM TRƯỜNG THỌ

Độc đáo tín ngưỡng thờ cúng cá Ông

Đối với người dân Lý Sơn, biển là nguồn sống. Bởi vậy, đời sống văn hóa, tín ngưỡng của họ gắn liền với biển. Không chỉ có Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, ở đây còn có rất nhiều di sản văn hóa biển, đảo độc đáo.

Dọc dài ven biển cả nước, ở các làng chài đều có lăng thờ cá Ông, nhưng không nơi nào có mật độ dày đặc như ở Lý Sơn. Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió với nhiều hiểm nguy, vì thế tục thờ cúng cá Ông đã ăn sâu trong tâm thức của người dân đất đảo, đặc biệt là với ngư dân.

Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở VH-TT&DL) Phan Đình Độ đã dẫn chúng tôi tham quan hầu hết các lăng thờ cá Ông trên đảo. Trong mỗi lăng, thờ cúng rất nhiều bộ xương cá Ông. Ông Độ cho biết, nét độc đáo trong thờ cúng cá Ông ở Lý Sơn là, không chỉ ngư dân, mà với cả cư dân sống dựa vào nông nghiệp, buôn bán đều thờ cúng cá Ông, xem cá Ông như một vị phúc thần, tiêu biểu là ở lăng Cồn Trong (xã An Vĩnh), lăng Đông Hải (xã An Hải)... Tính cố kết cộng đồng, sự dung hợp tín ngưỡng giữa làng và vạn trên đảo thông qua tục thờ cúng cá Ông thể hiện rõ nét, độc đáo, khác biệt so với những nơi khác.

Lăng thờ cá Ông còn là nơi người dân tổ chức các nghi lễ cầu an, hầu thần... Đặc biệt, tại lăng Tân (xã An Vĩnh) hiện đang thờ cúng bộ xương cá Ông rất lớn. Theo các nhà nghiên cứu, đây là bộ xương cá Ông lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Các bậc cao niên trên đảo cho biết, lăng Tân nguyên thủy được xây dựng khoảng năm 1840, bộ xương cá Ông thờ cúng ở đây cũng có niên đại từ đó.

Đối với ngư dân, khi gặp cá Ông chết ngoài khơi, họ sẵn sàng bỏ phiên biển để đưa ông vào bờ. Lễ táng và thờ cúng cá Ông được tiến hành như với một con người. Trước khi ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản, ngư dân đều đến lăng cá Ông thắp hương, cầu mong cá Ông phù hộ cho phiên biển được bình an; tàu về tôm, cá đầy khoang.  

Bảo tàng di sản văn hóa sống động  

Đình làng An Hải, ở thôn Đông, xã An Hải được xây dựng vào khoảng năm 1820, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ngôi đình được xây dựng theo kiểu nhà rường miền Trung. Nơi đây có không gian văn hóa tín ngưỡng độc đáo, ngoài đình làng còn có nhà thờ thất tộc tiền hiền, nghĩa tự, dinh thờ nữ thần Thiên Y A Na, đền thờ Bùi Tá Hán và lăng cá Ông.

Đặc sắc lễ hội đua thuyền

Lễ hội đua thuyền truyền thống ở huyện đảo Lý Sơn.  				ảnh: T.L
Lễ hội đua thuyền truyền thống ở huyện đảo Lý Sơn. ảnh: T.L


Ở Lý Sơn, lễ hội đua thuyền vẫn giữ được nét văn hóa cổ xưa, hiếm nơi nào còn lưu giữ. Lễ hội đua thuyền tứ linh trên đảo không chỉ phục vụ con người, mà còn hướng đến thần linh, bảo tồn giá trị cố kết cộng đồng, chứ không đơn thuần là hoạt động thể thao như ở các nơi.

Hằng năm, cứ đến ngày mùng 4 tết Nguyên đán, nhân dân hai làng An Hải và An Vĩnh tưng bừng mở hội đua thuyền tại đình làng để tri ân các vị thần linh, tiền hiền, hậu hiền, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng  năm mới bình an, mùa màng tươi tốt, vạn vật an khang. Các thuyền đua đều được thờ ở các lân. Trước khi diễn ra lễ hội đua thuyền, tại các lân thờ diễn ra các nghi thức tế lễ, xin phép thần linh. Sau khi thuyền đua được hạ thủy, phải đua hầu thần tại lân thờ bốn vòng tám dạo. Trước khi cuộc đua bắt đầu, ban tế tự ở hai đình làng làm lễ tế đình và lễ tế tại nhà thờ tiền hiền lục tộc và thất tộc để nghinh thần ra nhà hội xem đua thuyền... Lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn như một trò diễn dân gian trên biển của nhân dân đối với thần linh.


Cụ ông Nguyễn Văn Thọ (80 tuổi), người trông coi đình làng An Hải cho biết, hằng năm dân làng An Hải tổ chức nhiều lễ hội tại đình như lễ rước thần và tiền hậu hiền đầu năm, lễ động thổ, lễ đua thuyền tứ linh, hội dồi bòng, lễ cầu an... Đã 14 năm trông coi đình làng An Hải, cụ Thọ xem việc trông coi đình làng là trách nhiệm. Bởi vậy, suốt một thời gian dài không có tiền hỗ trợ, ông vẫn hằng ngày đều đặn trông coi, quét dọn đình làng sạch sẽ. Khi có cúng tế, ông ngày đêm túc trực để thay nước, đặt trầu, đánh chuông, rót rượu tế thần... “Đình làng không thể thiếu trong đời sống của người dân Lý Sơn, là trung tâm gắn kết mọi người lại với nhau, bởi vậy phải giữ gìn”, cụ Thọ bộc bạch.

Sở dĩ Lý Sơn gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo qua nhiều thế kỷ, trong khi ở các nơi nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, là bởi ở huyện đảo tiền tiêu này có những người như cụ Nguyễn Văn Thọ. Mỗi người dân Lý Sơn ý thức rất rõ trách nhiệm gìn giữ di sản văn hóa truyền thống do cha ông để lại, với họ đó là tài sản quý mà không gì có thể thay thế.

Ông Phan Đình Độ nhận định: “Sức mạnh văn hóa làm cho cộng đồng dân cư trên đảo gắn kết, tăng thêm tình yêu quê hương, đất nước. Lễ hội truyền từ đời này qua đời khác, nên ăn sâu trong tâm thức của mỗi người, đó là bản sắc không phải địa phương nào cũng có được”. ở Lý Sơn hiện nay có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa hình thành từ văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt. Với diện tích chỉ hơn 10km2 nhưng Lý Sơn có đến 4 di tích lịch sử cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh và hàng chục di tích đang được bảo vệ, lập hồ sơ xếp hạng.

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho biết, cùng với phát triển kinh tế biển, Lý Sơn đã chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn dựa vào thế mạnh về tài nguyên du lịch địa chất núi lửa, và đặc biệt là nét văn hóa đặc sắc gắn với công cuộc chinh phục và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là cơ sở để tạo nên sự khác biệt của du lịch Lý Sơn đối với cả nước và quốc tế. Hiện nay, tiềm năng du lịch Lý Sơn vẫn chưa được phát huy đầy đủ và đúng mức; chưa có nhiều hoạt động và sản phẩm du lịch phục vụ du khách và nhân dân. Thời gian tới, huyện quyết tâm triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, gắn với cộng đồng và vì cộng đồng.

 P.LÝ-M.HẠ-K.NGÂN


 


.