Bình yên "đảo ngọc"

10:07, 01/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thôn Ân Phú thuộc xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) nằm giữa dòng sông Trà và được bao bọc bởi những rặng tre vững chãi. Bởi lẽ đó, thôn Ân Phú còn được gọi bằng một tên khác là "đảo ngọc". Khác xa sự tấp nập, ồn ào nơi phố thị, đảo ngọc lặng lẽ, bình yên, dung dị với những con người chân quê, nếp nhà mộc mạc...

Thôn Ân Phú nằm bên cung đường mới Mỹ Trà - Mỹ Khê (đường Hoàng Sa). Vừa vào đầu thôn, những tán tre bao phủ, tỏa bóng mát. Cổng thôn văn hóa Ân Phú nổi bật giữa cánh đồng bắp trải dài xanh mướt. Ngay cổng thôn, khu chợ nhỏ với vài ba gian hàng dựng bằng tre. Các bà, các chị quây quần vừa mua chút rau, con cá và hỏi thăm, chuyện trò: "Hôm qua, tỉa bắp xong rồi chứ?", hay "con bé thi tốt nghiệp THPT có làm bài được không?, bà già ở nhà đã khỏe hơn chưa?"... Vô vàn những câu chuyện bình dị mà người dân Ân Phú chia sẻ cùng nhau, thể hiện sự quan tâm của tình làng nghĩa xóm.

  Đường vào
Đường vào "đảo ngọc" yên bình.


"Đảo ngọc" xanh tươi và ấm áp. Xanh bởi tre làng và ấm bởi tình người. Ở đây tre xuất hiện khắp mọi đường lớn, ngõ nhỏ trong thôn. Ánh mặt trời chỉ có thể len lỏi qua những rặng tre xuyên ít nắng xuống đất. Vậy nên, mùa hè ở Ân Phú rất mát.

Ở Ân Phú có nhiều ngôi nhà xây dựng từ những năm 1930 - 1975. "Mùa hè ở phố thị nóng bức, khó chịu thì về đây nghỉ mát...", bà Nguyễn Thị Phép (85 tuổi) đang sống trong ngôi nhà xây từ thời chống Mỹ bảo. Ngôi nhà này dù trải qua bao bom rơi lửa đạn, vẫn được gia đình bà chăm chút. Vậy nên đến giờ, những nét cũ như gian thờ, gian bếp vẫn còn đặc trưng màu quê.

Bà Phép cho biết, chồng bà mất sớm, mình bà nuôi dạy 10 người con trưởng thành. Bà đã chứng kiến nhiều sự đổi thay. Tuy bây giờ ở đây, nhà cửa cao tầng, kiên cố đã nhiều, nhưng cách sống người dân quê vẫn vậy, buổi trưa vẫn ra cột võng ở rặng tre nằm nghỉ, buổi chiều cũng ra đây ngồi trò chuyện...

Cách phố thị bởi dòng sông Trà, để qua lại thuận tiện, mỗi mùa nắng người dân lại đắp đất tạo thành đường bắt qua dòng sông. Còn vào mùa mưa, con đường đất không thể chống chọi nổi sức mạnh của bão lũ, nên người dân qua lại bằng những chiếc thuyền con.

Cứ như vậy, qua mùa mưa lũ, đường mới lại được đắp nên và mạch sống vẫn chảy, con người càng hăng say chăm chỉ làm việc, học tập. Nơi đây có nhiều người con học hành thành tài. Hằng năm, họ hỗ trợ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn của quê hương. Như ông Huỳnh Ngọc Phiên đang sinh sống ở tỉnh Bình Dương, ông Phạm Xuân Hồng đang ở TP.Hồ Chí Minh nhiều năm liền vẫn gửi 30 - 60 triệu đồng tặng quà Tết cho người nghèo trong thôn.

Đang vào hè nóng bức, về với “đảo ngọc”, với lũy tre làng mát rượi và con người hiếu khách, chân tình sẽ thấy nắng hè bớt oi ả hơn.


Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG


 


.