(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc sống ngày càng hiện đại, mạng lưới internet phủ rộng... làm cho nhu cầu đọc sách của người dân không còn cao như trước. Điều này kéo theo các thư viện, tủ sách công cộng trở nên đìu hiu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thưa dần bạn đọc
Thư viện Đặng Thùy Trâm ở xã Phổ Cường (Đức Phổ) xây dựng từ năm 2006. Trước đây thư viện đón rất đông bạn đọc đến tìm hiểu, đọc sách. Thư viện còn được bạn đọc khắp nơi gửi tặng sách, nên nguồn sách dồi dào, đáp ứng nhu cầu người đọc sách. Tuy nhiên, những năm gần đây thư viện Đặng Thùy Trâm vơi dần số lượng người đến đọc, mượn sách và nay đã ngừng hoạt động.
Hiện trạng Thư viện Đặng Thùy Trâm, xã Phổ Cường (Đức Phổ). |
Hiện thư viện Đặng Thùy Trâm rất ngổn ngang. Bàn ghế ngồi đọc sách dẹp sang một góc. Các kệ sách chuyển xuống cuối phòng để bố trí cho bộ phận văn hóa - xã hội làm việc. Phụ trách Thư viện Đặng Thùy Trâm từ năm 2012 đến nay, chị Nguyễn Thị Lệ Trinh chia sẻ: "Thư viện Đặng Thùy Trâm có hơn 10.000 bản sách. Những năm gần đây, thư viện ít người đến đọc sách, lượng sách mới không nhiều. Đồng thời, do thư viện nằm trong khuôn viên của UBND xã, trong thời gian UBND xã sửa chữa thì các hội, đoàn thể và văn hóa - xã hội có chuyển vào thư viện làm việc, làm ảnh hưởng đến hoạt động của thư viện.
Tại UBND xã Bình Hòa (Bình Sơn) cũng có một tủ sách công cộng, với khoảng hơn 300 đầu sách bố trí tại bộ phận một cửa của UBND xã. Khách đến giao dịch nhưng không ai mở tủ chọn sách để đọc. Một người dân đến công chứng giấy tờ tại xã cho biết: "Lo làm công chứng giấy tờ xong rồi về làm công việc khác chứ không có thời gian mà ngồi đọc sách".
Quản lý tủ sách công cộng của xã Bình Hòa vừa là công chức văn hóa - xã hội, chị Phạm Thị Tuyết Sương cho biết: "Tủ sách có từ năm 2015, đặt tại phòng một cửa để người dân dễ dàng nhìn thấy, mượn đọc. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hướng tạm thời. Bởi theo nhiều ý kiến của bạn đọc, nhất là học sinh, việc đặt tủ sách trong khuôn viên UBND xã là không hợp lý, các em không dám vào mượn đọc. Vậy nên, theo thời gian, số lượng bạn đọc đến mượn sách không nhiều. Trung bình mỗi tháng có khoảng 30 người đến mượn sách".
Hướng đi nào cho thư viện công cộng
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề Thư viện Đặng Thùy Trâm ngừng hoạt động, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Trần Thị Kim Nhung cho rằng: "Thời gian đến, chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp, dọn dẹp, bày trí lại để thư viện có thể hoạt động trở lại trong tháng 6 này".
Hiện toàn tỉnh có 13 thư viện huyện, thành phố và 132 tủ sách công cộng ở các xã, thị trấn. Tuy nhiên, hoạt động thư viện công cộng ở các xã vẫn chưa được quan tâm.
Giám đốc Thư viện tỉnh Trịnh Tùng cho biết, văn hóa đọc có nhiều thay đổi so với trước, vì sự phát triển của internet, mạng xã hội. Đây là thực trạng chung của xã hội hiện nay.
"Dù vậy, các thư viện huyện vẫn duy trì hoạt động. Một số thư viện huyện có hệ thống máy tính nên vẫn thu hút nhiều người đến đọc, mượn sách. Tuy nhiên, ở các xã, việc xây dựng thư viện chưa được quan tâm. Nếu có chỉ là lập tủ sách công cộng, đặt chung trong nhà văn hóa thôn, hoặc UBND xã. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, phối hợp giữa các ngành, địa phương. Trong đó, cần bố trí người quản lý thư viện và tăng kinh phí hoạt động, đầu tư phương tiện, tổ chức nhiều cuộc thi, ngày hội đọc sách... để thư viện công cộng có điều kiện hoạt động", ông Tùng bày tỏ.
Bài, ảnh: Đ.SƯƠNG