(Báo Quảng Ngãi)- Nghệ sĩ ưu tú Nhất Sinh vừa là ca sĩ, vừa là nhạc sĩ, với nhiều ca khúc viết về quê hương trữ tình. Sinh ra tại Quảng Ngãi, nên những làn điệu dân ca, lời ru của mẹ đã ảnh hưởng sâu đậm đến phong cách sáng tác của nhạc sĩ Nhất Sinh. Anh có thể viết những ca khúc ảnh hưởng bởi các làn điệu dân ca miền Trung, những bài hát thiết tha điệu dân ca Nam Bộ, và những ca khúc đậm chất dân ca Bắc Bộ.
Nhất Sinh được biết đến đầu tiên với vai trò ca sĩ. Sau thời gian thể hiện những nhạc phẩm trữ tình quê hương của các nhạc sĩ khác, anh tự hỏi: Sao mình không thử một lần viết nhạc và hát bài hát của mình? Thế là Tơ hồng ra đời vào năm 1988.
Nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Nhất Sinh tại nhà riêng ở quận Thủ Đức (TP.HCM). |
Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Trà Khúc, tâm hồn Nhất Sinh thấm đẫm các làn điệu dân ca bởi lời ru, câu hò của mẹ, của chị. Phát huy sáng tác đầu tiên mang âm hưởng dân ca, anh viết tiếp ca khúc thứ hai, cũng chính là bài hát cho mối tình đầu tiên: Chim sáo ngày xưa.
Nhạc sĩ Nhất Sinh tâm sự: “Thời xưa yêu đương nhút nhát lắm. Khi thích một ai, ban đầu là âm thầm tìm hiểu, rồi theo đuổi, tìm cơ hội hay kiếm một cái cớ nào đó sao cho có duyên một chút, để làm quen”. Vậy nên, mới sinh ra chuyện: “Chiều nay theo em anh bước/ bước bên em trên con đường làng”, mà cũng chỉ dừng lại, ước mong: “Nhìn em anh như muốn nói/ này cô bé kia chờ anh theo cùng”, chứ chẳng dám ngỏ lời. Cứ vậy, anh theo gót cô gái ở cùng xóm ấy một thời gian dài. “Cho đến lúc mạnh dạn, lấy hết sức bình sinh để thổ lộ, thì người ta đã có bến đỗ”, nhạc sĩ Nhất Sinh chia sẻ.
Nếu trong Tơ hồng, anh đã đưa “Vẳng trên dòng kinh giọng ai hát/ con sáo sang sông, rồi sáo sổ lồng” vào lời ca, thì đến Chim sáo ngày xưa, cái tứ ấy được phát triển, cụ thể hơn, nên cũng bùi ngùi, ray rứt hơn: “Sáo bay bỏ lại mình ta, bơ vơ một nẻo, xa xăm đi về/ Sáo ơi! Bây chừ ngồi đây chờ ai ai chờ...”.
Chim sáo ngày xưa được hát đầu tiên bởi chính tác giả, nhưng chỉ trong những chương trình ca nhạc quy mô nhỏ. Nhiều năm sau đó, bài Chim sáo ngày xưa được hát bởi giọng ca Quang Linh đã lan tỏa rộng rãi hơn. Đến năm 1998, Chim sáo ngày xưa lọt vào topten Làn sóng xanh. Đúng là, giọng hát trữ tình của nam ca sĩ gốc miền Trung này đã chuyển tải được chất dân ca Trung Bộ của Chim sáo ngày xưa, đưa bài hát đến với đông đảo người nghe hơn.
Về sau, có hàng chục ca sĩ thể hiện bài hát này, từ trong nước đến hải ngoại, cũng như có cả phiên bản hòa tấu. Với Nhất Sinh, nếu qua giọng hát Ngọc Tân, Chim sáo ngày xưa nghe sang trọng; còn Quang Linh giúp chim sáo bay xa, đến với khán giả mọi miền đất nước lẫn hải ngoại; thì giọng ca Vũ Khanh là người trình bày khiến nhạc sĩ ưng ý nhất, chân chất, mộc mạc, như chuyện tình thuở xưa của anh vậy.
Sau những ca khúc về tình yêu như Tơ hồng, Chim sáo ngày xưa, Thuở ban đầu... nhạc sĩ Nhất Sinh chuyển sang viết nhạc quê hương đất nước, sử ca, trong nó nổi bật có Tình sử Huyền Trân. Thời gian gần đây, Nhất Sinh viết nhiều về mẹ: Nhớ mẹ mùa Vu lan, Một cánh hoa dâng mẹ, Còn mãi lời ru, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Con sẽ về... Cho dù anh có viết nhiều thể loại nhạc khác nhau đi chăng nữa, thì ca khúc của Nhất Sinh viết vẫn thấm đẫm tình người và ngọt ngào khúc hát dân ca quê nhà.
Bài, ảnh: HUỲNH THẾ