(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 6 tháng khởi công, đến nay, Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương đã hoàn thành một số hạng mục của Dự án Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi. Dự kiến đến tháng 10.2018, sẽ hoàn thành các hạng mục thuộc giai đoạn 1.
Ngày 8.8.2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 1471/QĐ-UBND cho chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi (giai đoạn 1). Dự án bao gồm các hạng mục chính: Khu trưng bày nhà rường cổ Việt, nhà văn hóa đa năng (2 tầng), nhà trưng bày di sản văn hóa vật thể (2 tầng), nhà văn phòng kết hợp dịch vụ văn hóa... Mật độ xây dựng là 28,9%, tại khuôn viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, diện tích gần 5.000m2, với tổng vốn đầu tư trên 31 tỷ đồng. Thời gian thi công và hoàn thành dự án vào tháng 2.2017.
Tuy nhiên, do vướng các thủ tục đầu tư nên chủ đầu tư có văn bản đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới thì công trình phải hoàn thành trong tháng 6.2018. Song, do cuối tháng 10.2017, chủ đầu tư mới nhận giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp, nên việc triển khai thi công chậm.
Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sưu tầm một số mẫu đá tại Lý Sơn, Bình Châu để trưng bày, nhằm quảng bá hình ảnh Công viên địa chất Lý Sơn. |
Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương Đoàn Sung cho biết: Theo phân khúc chức năng, khu nhà rường cổ Việt nằm ở phía đông bảo tàng là nơi tái hiện lại không gian truyền thống của người Việt, gồm các nhà rường chính có niên đại trên 100 năm, kết nối với nhau qua các trường lang, tạo một khu kiến trúc cổ kính, đậm nét văn hóa Việt. Tại đây, ngoài việc thuyết minh, trưng bày các hiện vật cổ, còn tổ chức các sự kiện biểu diễn văn hóa nghệ thuật theo phong cách truyền thống của sân vườn, có kèm theo dịch vụ giải khát.
Nhà văn phòng kết hợp dịch vụ là nơi phục vụ cho Trung tâm nghiên cứu di sản văn hóa thuộc phía tây bảo tàng, vừa là nơi làm văn phòng làm việc, thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học về văn hóa nghệ thuật, trưng bày đá địa chất, nhằm quảng bá Công viên địa chất Lý Sơn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương; đồng thời kết hợp dịch vụ… Phía bắc của bảo tàng, bao gồm nhà văn hóa đa năng và nhà trưng bày di sản văn hóa vật thể. Đây là khu trọng tâm của dự án. Trong đó, nhà trưng bày di sản văn hóa vật thể là nơi trưng bày các cổ vật, cũng như các di sản văn hóa và giao lưu thông tin văn hóa, đăng ký triển lãm của các nhà sưu tầm cổ vật, trưng bày các đặc sản tiêu biểu của tỉnh. Bên cạnh đó, nhà văn hóa đa năng còn là nơi kết hợp dịch vụ và tổ chức vui chơi có tính hướng nghiệp cho thế hệ trẻ...
Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào hoạt động trước nhà văn phòng kết hợp dịch vụ và khu trưng bày nhà rường cổ Việt; thực hiện việc trưng bày các mẫu địa chất, tranh ảnh, bản đồ Công viên địa chất Lý Sơn; sách báo, tư liệu về công viên địa chất trên thế giới. Tại khuôn viên sân vườn khu nhà văn phòng kết hợp dịch vụ, công ty đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh tiến hành sưu tầm một số mẫu đá tại Lý Sơn, Bình Châu trong Công viên địa chất Lý Sơn để bố trí trong không gian trưng bày các mẫu địa chất, cùng tranh ảnh quảng bá các hoạt động của Công viên địa chất Lý Sơn, nhằm phục vụ cho khách tham quan. Các hạng mục công trình còn lại đang triển khai thi công. Dự kiến đến tháng 10.2018 sẽ hoàn thành giai đoạn 1.
Trước những thông tin liên quan đến dự án xã hội hóa bảo tàng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Minh Trí đã tổ chức cuộc họp và có Thông báo kết luận số 491/TB-SVHTTDL ngày 17.4.2018. Cụ thể, ông Trí khẳng định chủ trương xã hội hóa sân vườn Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là nhằm mục tiêu hướng đến xây dựng bảo tàng thành trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản đa năng của tỉnh, đa dạng hóa các hoạt động bảo tồn, bảo tàng, thu hút khách tham quan đến với bảo tàng.
Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án theo phương thức xã hội hóa đã được phê duyệt để sớm đưa vào hoạt động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đối với khu nhà rường cổ Việt, chủ đầu tư phải có bảng giới thiệu nội dung xuất xứ, ý nghĩa ngôi nhà và có bảng niêm yết kế hoạch hoạt động theo năm để tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa, phù hợp với nội dung phương án xã hội hóa sân vườn bảo tàng đã được phê duyệt; đồng thời thay đổi tên gọi “Cà phê Cổ Mộc” bằng “Nhà rường Cổ Việt”.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG