Công viên địa chất Lý Sơn: Mở rộng ra nhiều khu vực

08:05, 27/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Phần mở rộng của Công viên địa chất Lý Sơn có tiềm năng rất lớn, đủ để hình thành một Công viên địa chất toàn cầu”. Đây là nhận định của TS.Paul R.Dingwall (New Zealand), thành viên Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cố vấn UNESCO về Di sản thế giới, trong đợt khảo sát mới đây tại Lý Sơn và nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Sau khi được thành lập, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn đã tiến hành hợp đồng với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các chuyên gia địa chất trong và ngoài nước tiếp tục mở rộng phạm vi khảo sát, đánh giá giá trị địa chất, địa mạo, di sản văn hóa, thiên nhiên, để tư vấn cho tỉnh lập hồ sơ trình UNESCO vào cuối tháng 11.2019.
 


Tiềm năng đa dạng


Trong các chuyến khảo sát đầu năm 2018, các chuyên gia không chỉ dừng lại ở vùng hoạt động núi lửa đảo Bé, đảo Lớn (Lý Sơn), Bình Châu (Bình Sơn) và vùng phụ cận như trước, mà còn mở rộng ra các khu vực đá biến chất cổ lục địa, khu vực đứt gãy sông Trà Bồng, đầm An Khê, di tích cầu đá Chămpa, nước khoáng Thạch Bích, thủy điện Cà Đú thuộc các huyện Trà Bồng, Tây Trà, Bình Sơn, Sơn Hà, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi.

Ngoài khảo sát địa chất, địa mạo, các chuyên gia còn nghiên cứu, khảo sát cả di tích, di sản văn hóa, thiên nhiên. Qua khảo sát, nhiều chuyên gia đã phát hiện và có những nhận định mới để khẳng định tiềm năng của Quảng Ngãi đủ các yếu tố để trở thành công viên địa chất toàn cầu.
 

Địa chất, địa mạo Lý Sơn và một số khu vực mở rộng có giá trị để hình thành một Công viên địa chất toàn cầu.                                                                                                                                                                             ảnh: Hoàng Hà
Địa chất, địa mạo Lý Sơn và một số khu vực mở rộng có giá trị để hình thành một Công viên địa chất toàn cầu. ảnh: Hoàng Hà


Theo các thành viên của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Quảng Ngãi có thể trở thành bảo tàng địa chất ngoài trời về các loại đá qua các thời kỳ; trong đó có nhiều loại đá biến chất, núi lửa, trầm tích cổ, kèm theo nhiều loại hình khoáng sản...

Còn theo TS.Paul R.Dingwall, hoạt động núi lửa trên đảo Lý Sơn có những hình nón ấn tượng, miệng núi lửa và dòng chảy dung nham theo các độ tuổi khác nhau qua nhiều giai đoạn từ 11 triệu năm đến 4.500 năm.

Nhiều khu vực có các loại đất, đá tồn tại hàng tỷ năm. Địa chất, địa mạo ở Lý Sơn chẳng khác nào một phiên bản thu nhỏ của đảo Jeju ở Hàn Quốc (đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu và các chỉ định bảo tồn quốc tế khác).
 

Để xây dựng một hồ sơ đề cử có tính thuyết phục và thành công đòi hỏi thời gian tới phải thực hiện nhiều việc như: Khảo sát và đánh giá các giá trị di sản văn hóa và tự nhiên; xác định vị trí ranh giới; khung hành chính và pháp lý; xây dựng dự thảo kế hoạch quản lý và tham vấn với các bên liên quan, đặc biệt là lãnh đạo và các thành viên của cộng đồng địa phương”.
TS.PAUL R.DINGWALL, thành viên Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế.

Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, PGS.TS.Trần Tân Văn cho biết: Trong 350 điểm khảo sát ở phạm vi mở rộng, thì có khoảng 40 điểm được nhận dạng có di sản địa chất. Đáng chú ý là đã phát hiện nghĩa địa san hô bánh xe ở đảo Lý Sơn, hóa thạch thực vật ở khu vực Bình Sơn...

Trong khu vực công viên địa chất dự kiến mở rộng còn có nhiều dấu ấn của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, có xác tàu đắm, cảng Thu Xà, điện Trường Bà Thiên Y A Na... Hệ sinh thái ở khu vực này đa dạng, với nhiều loài động, thực vật trên cạn lẫn dưới biển. Trong khu vực còn có nhiều thắng cảnh địa chất như: Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, cổng Tò Vò trên cạn, cổng Tò Vò dưới nước, An Hải sa bàn, Gành Yến, mũi Tổng Binh...



Cần chung tay bảo tồn


Theo Quyết định số 45/QĐ-TTg của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ngãi có 3 khu bảo tồn đó là: Khu bảo tồn biển Lý Sơn (hơn 7.900ha); khu bảo tồn Cà Đam (1.000ha); khu bảo tồn khu Tây huyện Ba Tơ (39.000 ha). TS.Paul R.Dingwall cho rằng: Đây là hành lang pháp lý để những giá trị địa chất, địa mạo, di sản văn hóa, thiên nhiên trong khu vực này được giữ nguyên vẹn.

Ngoài ra, cần thiết lập sự bảo vệ chính thức cho các khu vực quan trọng khác, vì điều này sẽ tăng thêm điểm khi đánh giá Công viên địa chất toàn cầu. Ngoài các di sản hữu hình, trong khu vực này còn có các di sản vô hình của các dân tộc thiểu số, như: Ngôn ngữ, văn hóa, trang phục, âm nhạc, các điệu nhảy, kịch... cần được bảo tồn nguyên vẹn.
 

Qua khảo sát, các chuyên gia khẳng định, giá trị địa chất, địa mạo ở Lý Sơn đủ để trở thành Công viên địa chất toàn cầu.
Qua khảo sát, các chuyên gia khẳng định, giá trị địa chất, địa mạo ở Lý Sơn đủ để trở thành Công viên địa chất toàn cầu.


Hiện nay, nhiều du khách đến tham quan khu vực công viên địa chất. Ở Lý Sơn, mỗi năm đón 200 nghìn lượt du khách. Tuy nhiên, chính quyền địa phương hiện vẫn chưa có kế hoạch phát triển du lịch tổng thể, toàn diện.

Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, homestay, khu nghỉ mát bãi biển và các hoạt động giải trí... vẫn chưa được khơi dậy, hoạt động chưa bài bản. Người dân chưa hiểu nhiều về giá trị di sản địa chất, văn hóa, thiên nhiên, nên chưa tích cực trong việc bảo vệ di sản.

Trưởng Ban tư vấn Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu Setsuya Nakada (Nhật Bản) đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, hướng đến việc xây dựng công viên địa chất, để cộng đồng địa phương hưởng lợi.

Còn PGS.TS.Trần Tân Văn thì khuyến cáo chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền đến cộng đồng những giá trị, lợi ích của di sản, để cùng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị.
       

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.