(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có 229 di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, 87 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và 112 di tích có quyết định bảo vệ và đăng ký bảo vệ. Tuy nhiên, công tác quản lý, phát huy giá trị các di tích còn nhiều bất cập...
Nhiều di tích xuống cấp
Ông Bùi Đình Ngôn, phụ trách Bảo tàng Ba Tơ cho biết, Di tích nhà đồng chí Trần Quý Hai (thị trấn Ba Tơ) là 1 trong 12 di tích thuộc quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Năm 2002, di tích này đã được tôn tạo, phục dựng, với ngôi nhà 3 gian bằng vật liệu tre, tranh, vách xi măng giả đất trát mỏng. Tuy nhiên, bây giờ trong khuôn viên di tích, ngôi nhà không còn, bởi đã xuống cấp nên phải tháo dỡ. Cũng theo ông Ngôn, việc tôn tạo di tích kiểu này thì du khách đến tham quan không thể hình dung được di tích trước kia như thế nào.
Giá trị của Trường Lũy - Quảng Ngãi chưa được phát huy. ẢNH: TL |
Còn tại Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân (Mộ Đức), địa điểm đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2006. Nơi đây là địa chỉ để người dân, du khách đến tưởng niệm, tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thế nhưng, dù ngành chức năng chưa cho phép, nhưng vừa qua một doanh nghiệp lại xây dựng trong khuôn viên khu lưu niệm dãy nhà để các thiết bị vui chơi, bán cà phê, nước giải khát...
"Thời gian qua, ngành văn hóa đã nỗ lực đầu tư tôn tạo, bảo vệ di tích theo đúng luật định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như kinh phí hạn chế, nhân lực thiếu; việc quản lý di tích ở một số địa phương thiếu chặt chẽ... dẫn đến nhiều di tích không còn hiện trạng như ban đầu". Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL CAO VĂN CHƯ |
Còn tại TP.Quảng Ngãi hiện có 37 di tích, thì đã có 20 di tích xuống cấp, bị lấn chiếm và chưa được xếp hạng. Như di tích Thành cổ Châu Sa (xã Tịnh Châu) hiện nay chỉ có bảng di tích; kênh hào và nhiều đoạn tường thành bị san bằng, phân đoạn. Các thành lũy ngăn cách nội thành và ngoại thành giờ chỉ còn trong sách sử.
Còn Di tích Trường Lũy kéo dài qua 8 huyện (với hơn 110km) thì theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông - Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trường Lũy không những có giá trị về mặt quân sự ở những năm cuối thế kỷ XVII – XVIII, mà còn có giá trị về mặt kỹ thuật xếp đá. Cách đây gần 10 năm, Trường Lũy đã được công nhận là di tích quốc gia. Tuy nhiên, đến nay di tích này đã bị lấn chiếm, bờ lũy đã bị người dân tận dụng để trồng mì, keo; có đoạn xẻ kênh mương dẫn nước...
Bất cập trong quản lý
Theo Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, thì trong 229 di tích, Sở VH-TT&DL chỉ quản lý 4 di tích, đó là Khu Chứng tích Sơn Mỹ, Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Di tích Quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Di tích chiến thắng Vạn Tường. Các di tích còn lại được giao cho cấp huyện và cấp xã quản lý.
Di tích thành cổ Châu Sa (xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi) bị người dân lấn chiếm làm nơi buôn bán. |
Tại huyện Đức Phổ có 29 di tích, nhưng huyện chỉ quản lý 8 di tích, còn lại do xã quản lý. Trong khi đó, do nguồn kinh phí có hạn, nên việc duy tu di tích gặp khó khăn. Mặt khác, cán bộ cấp xã thường kiêm nhiều việc, nên công tác quản lý di tích chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường (Đức Phổ) Trần Thị Kim Nhung: "Toàn xã có 8 di tích, nhưng hiện chỉ có 3 di tích được đầu tư. Còn lại xã chỉ biết địa điểm, chứ các di tích chưa được cắm mốc, khoanh vùng. Do vậy, việc bảo vệ hay phát huy giá trị của di tích vô cùng khó khăn".
Còn Phó Trưởng Phòng VH-TT TP.Quảng Ngãi Phạm Thị Phương Nhung thì cho rằng: "Việc bàn giao quản lý di tích về cho địa phương, chỉ trên hồ sơ sổ sách, chứ không phải ngoài thực địa. Trước đây, khi đo đạc diện tích di tích để lập hồ sơ đều bằng thủ công, giờ đo bằng máy, nên rất khác so với thực tế. Mặt khác, nguồn kinh phí cấp có hạn, nên nhiều di tích không được trùng tu tôn tạo là điều khó tránh khỏi".
Do không được trùng tu, tôn tạo nên đình làng Sung Tích ở xã Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi) ngày càng xuống cấp. Ảnh: TL |
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư, cho biết, thời gian qua, ngành văn hóa đã nỗ lực đầu tư tôn tạo, bảo vệ di tích theo đúng luật định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như kinh phí hạn chế, nhân lực thiếu; việc quản lý di tích ở một số địa phương thiếu chặt chẽ... dẫn đến nhiều di tích không còn hiện trạng như ban đầu.
Di tích lịch sử - văn hóa là những chứng tích vật chất phản ánh sâu sắc nhất đặc trưng văn hóa, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp và người dân, thì di tích có nguy cơ sẽ dần mất đi.
Bài, ảnh: MAI HẠ
Nâng cao chất lượng quản lý và phát huy giá trị di tích Qua đợt giám sát thực hiện các quy định về quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh) Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các ngành chức năng cần nâng cao chất lượng quản lý, phát huy giá trị di tích gắn với du lịch. TRƯỜNG AN (thực hiện) |