(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, những nghệ sĩ-chiến sĩ văn công đã đi khắp các vùng miền hát cho bộ đội và nhân dân nghe. Tiếng hát của anh em đoàn văn công là lời động viên bộ đội và nhân dân cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, để chiến thắng quân thù.
Đến nay, đã gần 54 năm kể từ ngày Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi quyết định thành lập Đoàn văn công Quân giải phóng Quảng Ngãi tại Suối Chí, xã Hành Tín, huyện Nghĩa Hành (ngày 8.6.1964), nhưng những buổi biểu diễn dưới làn bom đạn vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người văn công.
Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ
Đoàn văn công Quân giải phóng Quảng Ngãi khi mới thành lập có 12 người, do đồng chí Khương Thế Hưng làm trưởng đoàn. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, những thành viên của đoàn văn công cũng chính là những chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh giải phóng dân tộc. Họ đã mang lời ca, tiếng hát động viên, cổ vũ tinh thần quân và dân ta đấu tranh giành độc lập.
Ông Nguyễn Thanh Bình say sưa kể lại những kỷ niệm về Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi. |
Là một trong số những người có mặt từ những ngày đầu thành lập đoàn văn công, ông Nguyễn Thanh Bình (nguyên Phó Trưởng Đoàn văn công Quân giải phóng Quảng Ngãi), nhớ như in những lần dẫn đoàn đi biểu diễn ở vùng giải phóng phục vụ nhân dân. Ông Bình kể: Địch nhiều lần bắn pháo, nhưng anh em trong đoàn vẫn biểu diễn để phục vụ nhân dân. Có khi, đoàn phải biểu diễn lúc 2 giờ sáng để tránh bị địch phục kích.
Ông Bình cho biết, địch thường xuyên theo dõi, bắn pháo để tiêu diệt đoàn văn công. Để vừa hoạt động, vừa bảo toàn lực lượng, anh em trong đoàn luôn ở trong tâm thế sẵn sàng. Khi biểu diễn xong thì nhanh chóng rút về nơi an toàn. Các chiến sĩ văn công trên mặt trận văn hoá, văn nghệ phải chịu đựng nhiều gian khó, hy sinh, mất mát dưới bom đạn ác liệt của quân thù không khác gì các chiến sĩ lực lượng vũ trang. Nhạc sĩ Trương Quang Tuấn, tham gia vào Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi năm 1967, bùi ngùi cho biết: Trong đoàn, có 7 đồng chí đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tiếng hát át tiếng bom
Đoàn văn công được giao nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật nhằm động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn tỉnh hăng hái tham gia công cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc. Lời ca tiếng hát của những nghệ sĩ- chiến sĩ văn công ngày ấy đã góp phần thúc giục thanh niên tòng quân, động viên nhân dân bám đất, bám làng, đóng góp và chuyển tải lương thực, vũ khí ra mặt trận...
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, do yêu cầu của phong trào cách mạng, tháng 8.1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định chuyển Đoàn văn công Quân giải phóng Quảng Ngãi thuộc Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh sang Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ. Lúc đấy lấy tên là Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi. Tiếp đó, tỉnh uỷ thành lập thêm Đoàn văn công miền Tây Quảng Ngãi, do đồng chí Đinh Nếp làm trưởng đoàn và Khu ủy Khu 5 thành lập Đoàn văn công Khu Sơn Trà, sau đó cả hai nhập vào Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi.
Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi còn làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ quần chúng toàn tỉnh, dấy lên phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, giữ vững và nâng cao ý chí quyết chiến-quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Qua những tiết mục văn nghệ, tinh thần cổ vũ đã đi sâu vào lòng người, có sức lay động mãnh liệt tinh thần đoàn kết của chiến sĩ và đồng bào ta, quyết chiến đấu đánh thắng kẻ thù. Dư âm đó còn lan truyền vào cả đồng bào vùng địch kiểm soát, len lỏi vào tâm tư, tình cảm binh lính ngụy, thức tỉnh ở họ lòng yêu nước và căm thù giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.
Chiến tranh đã lùi xa, song những ca khúc mà Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi biểu diễn năm nào vẫn sống mãi trong lòng của người dân đất Quảng như các ca khúc: "Cánh chim Đinh Tía", "Dũng sĩ 85", hay các tiểu phẩm, bài chòi... Cứ đến tháng 6 hằng năm, thành viên trong Đoàn văn công Giải phóng Quảng Ngãi lại gặp mặt và cùng nhau cất lên tiếng hát, để nhớ về một thời hào hùng.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG