(Báo Quảng Ngãi)- Một cuốn sách tuy nhỏ, nhưng nó chứa đựng tri thức vô tận, là bậc thầy dạy chúng ta nhiều điều hữu ích trong cuộc sống. Sách là chìa khóa để khám phá thế giới diệu kỳ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Hãy yêu quý sách vì đó là nguồn gốc của mọi tri thức”, đại văn hào người Nga Maksim Gorky từng nói như thế. Hầu hết các bậc danh nhân, những người thành công, nổi tiếng thế giới đều có chung thói quen là đọc sách, họ đã đọc rất nhiều loại sách khác nhau.
Khơi dậy đam mê đọc sách
Vào mỗi buổi tối, nhất là vào dịp cuối tuần, tại Nhà sách Fahasa ở Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi đông nghịt người. Các bậc cha mẹ đưa con đến đây để đọc sách. Nhiều người muốn giáo dục con qua những trang sách, để trẻ tự nhận biết lẽ sống ở đời và trang bị tri thức cho mình từ những trang sách. Bởi theo họ, đó là phương pháp giáo dục tốt nhất mà không cần dùng nhiều lời lẽ “mật ngọt” hay dọa nạt.
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Khiết tham khảo sách tại thư viện của trường. Ảnh: PV |
Chị Nguyễn Thị Kiều, ở tổ 4, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) cho biết, khi con còn nhỏ, chị vẫn thường đọc sách cho con nghe trước giờ đi ngủ, đó là những câu chuyện cổ tích hoặc chuyện kể trong những cuốn sách “Hạt giống tâm hồn”. Qua mỗi câu chuyện, chị đều đúc kết cho con một bài học làm người. Và cũng từ đó, bé dần yêu thích đọc sách. Đến khi con biết đọc, vào cuối tuần chị lại đưa bé đến nhà sách ở siêu thị, để tự đọc hoặc chọn mua sách hay về nhà đọc. Mỗi khi đi xa, món quà chị Kiều mua về cho con cũng thường là sách. “Giáo dục con qua sách rất hiệu quả, con trẻ không những ngoan ngoãn, hiểu chuyện, mà còn tích lũy được nhiều kiến thức và vốn từ phong phú, phục vụ rất tốt cho việc học. Những gì con học được từ sách là điều mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con mình có được”, chị Kiều chia sẻ.
Tại Nhà sách Fahasa, tranh thủ thời gian con đọc sách, những ông bố, bà mẹ cũng tìm cho mình một cuốn sách hay để đọc. Những cuốn sách thuộc tốp bán chạy nhất được người lớn tuổi lựa chọn như: “Phương pháp giáo dục con của người Do Thái”, “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ”, “Đắc nhân tâm”, “Xin cho tôi một vé đi tuổi thơ”, “Đời ngắn đừng ngủ dài”...
Nhân Ngày sách Việt Nam (21.4), Thư viện Tổng hợp tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp phần khơi dậy đam mê đọc sách như: Thi vẽ tranh theo sách, thi kể chuyện theo sách, triển lãm sách... Tại triển lãm, 2.000 đầu sách, với 4.000 bản sách các loại sẽ được giới thiệu đến bạn đọc. |
Chìa khóa để khám phá thế giới
Tại Thư viện Tổng hợp tỉnh có nhiều bạn đọc ở các lứa tuổi khác nhau đến mượn sách. Chị Nguyễn Thị Bích Hà (25 tuổi, giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng) chia sẻ: "Mỗi khi có thời gian rảnh, tôi đều đến thư viện để đọc sách. Ngoài việc bổ trợ kiến thức cho chuyên ngành văn học mà mình đang giảng dạy, việc đọc sách còn giúp tôi biết nhiều điều hay trong cuộc sống, có ngôn ngữ phong phú và tư duy các vấn đề một cách toàn diện hơn". Còn em Nguyễn Ngọc Hoàng Giang, học sinh lớp 5E, Trường Tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) thì hào hứng cho biết: “Chiều nào em cũng đến thư viện để đọc sách, ở đây có nhiều sách để lựa chọn, không gian yên tĩnh, nên việc đọc sách thú vị hơn”.
Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Trịnh Thanh Tùng cho biết, mỗi năm thư viện mua khoảng 5.000 bản sách các loại để phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc. Từ cuối năm 2017, thư viện đã đưa tài liệu, sách, tạp chí... lên cổng điện tử, tạo điều kiện cho bạn đọc không có thời gian đến thư viện có thể truy cập, tiếp cận và duy trì thói quen đọc sách.
Tại Trường THPT chuyên Lê Khiết, 95% học sinh đến thư viện mượn sách để phục vụ cho việc học. Chị Nguyễn Thị Như Ý, thủ thư của trường, cho biết: Những học sinh giỏi, thành đạt của trường đều là những em thường xuyên đến thư viện mượn sách, để học tập, nghiên cứu.
Không phải ngẫu nhiên mà mọi gia đình người Do Thái khi con còn nhỏ đều tổ chức nghi lễ “Hôn sách”, đây là một trong những nghi lễ đầu đời của người Do Thái để trang bị cho trẻ thói quen đọc sách. TS.Nguyễn Trọng Hoàn (Bộ GD&ĐT) đã đúc kết trong bài viết “Một diễn ngôn về đọc”, rằng: Một tờ báo trong ngăn cặp, một tủ sách gia đình hay cả một thư viện quốc gia... đó không chỉ là nơi cất giữ những tập ký tự ngôn ngữ đơn thuần. Trong cái vẻ lặng lẽ, chìm khuất, im lìm... ấy là cả một thế giới bao la với những cuộc đời, số phận; những bảo tàng tri thức nhân loại; những cánh cửa, khung trời đang khát khao khai mở; những nỗi niềm mong được sẻ chia... Đó là cả một thế giới diệu kỳ nhiều hứa hẹn.
Sách là vốn quý, bởi vậy mỗi người hãy rèn luyện cho mình thói quen đọc sách. Một tiểu thuyết gia người Mỹ, Louisa May Alcott từng có lời khuyên: "Sách hay, cũng như bạn tốt, ít và được lựa chọn; chọn lựa càng nhiều, thưởng thức càng nhiều".
P.LÝ-TR.ÂN