Bài chòi Quảng Ngãi: Còn mãi với thời gian

10:04, 28/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuối tháng 12.2017, nghệ thuật bài chòi Nam Trung Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngành VH-TT&DL Quảng Ngãi thêm tự hào và chú trọng hơn việc bảo tồn, để hình thức diễn xướng dân gian này sống mãi với thời gian.

TIN LIÊN QUAN

Bà Nguyễn Thị Yên, ở xã Phổ Phong (Đức Phổ) cho hay, hồi trước, năm nào chúng tôi cũng đi hát bài chòi. Có năm từ ngày 20 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng, nhưng thường tập trung từ 26 tháng Chạp đến ngày mùng 5 Tết. Khi đó, những làng quê Quảng Ngãi, bà con với  tâm lý “No ngày Tết, hết ngày mùa”, nên Tết về thì may áo mới, lo làm bánh mứt, rồi đến đình làng chơi bài chòi.

Hát bài chòi.
Hát bài chòi.


Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thực, ở thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (Bình Sơn) thì cho rằng: "Chơi bài chòi có thú riêng của nó. Người chơi hiểu được quy luật, có khi chơi quên cả đường về". Theo ông Thực, bài chòi có 27 cặp con (thường gọi là quân hoặc là thẻ bài làm bằng tre) chia làm 3 pho là pho sách, pho văn, pho vạn và ba cặp: Lão, thang, chi.

Các cặp con đều mang những tên rất dân gian như nhứt nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ xách... Sân khấu bài chòi được tổ chức trên mảnh đất rộng hình vuông gồm 8 chòi con và một chòi chính, hay còn gọi là chòi trung ương. Chòi thường làm bằng tre lợp lá dừa. Người chơi ở những chòi con, còn trên chòi chính dành cho các anh hiệu thi nhau hát xướng và ban nhạc ngũ âm.

Khi chơi, mỗi chòi được phát 3 thẻ bài. Sau đó trên chòi chính, anh hiệu xốc ống bài rồi rút ra một thẻ bài ngẫu nhiên. Căn cứ trên thẻ bài ấy, anh cất câu hát theo thể lục bát, lục bát biến thể hoặc thơ 4 chữ dễ nhớ, dễ thuộc, nội dung phê phán các thói hư tật xấu trong xã hội hoặc đố vui làm cho người nghe hứng thú. Đi kèm với tiếng hát được đệm nhạc bát âm nên giọng ca càng đi vào lòng người.

Trong khi nghe hát, người chơi xem thẻ bài của mình mà đoán. Nếu đúng thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Cứ chơi như thế, khi chòi nào trúng hết 3 thẻ bài, thì đánh mõ một hồi dài báo hiệu chòi đó tới. Khi đó, anh hiệu bưng khay rượu cùng cờ đuôi nheo và phần thưởng tới trao giải cho người thắng cuộc và cắm cờ phía trước chòi.

Phần thưởng cho người thắng bài chòi không nhiều, vì trước khi chơi, mỗi chòi chỉ dùng ít tiền mua thẻ. Tiền đó trích lại một phần, để bồi dưỡng cho anh hiệu cùng đội nhạc bát âm. Thế nhưng, ở hội bài chòi, già trẻ ngày xưa đều “say” lắm. Nhiều người tới chơi và mong chòi mình được cắm nhiều cờ hiệu, biểu hiện mình sẽ gặp may, mọi sự hanh thông. Còn nếu không tới được lần nào, thì cho rằng xả xui đầu năm, để cả năm mọi sự bình an, tiến triển.

Cùng với bài chòi ngồi trên chòi, nhiều nơi tổ chức trên chiếu, mỗi chiếu tương tự với một chòi, nên người ta gọi là bài chòi chiếu. Cũng nhờ hình thức diễn xướng dân gian câu hát ngọt lịm này, nên trong kháng chiến chống Pháp đã có nhiều người sáng tác bài hát theo điệu bài chòi để vạch rõ tội ác của kẻ thù, kêu gọi toàn dân kháng chiến, hoặc ca ngợi những chiến công của quân và dân Quảng Ngãi như bài hát "Ba Tơ quê mẹ anh hùng".


Cũng qua điệu hát bài chòi, ở tỉnh ta có nhiều nghệ sĩ đã thành danh như Lệ Thi, Nguyễn Văn Khánh... được nhiều người nhắc đến. Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư, hiện nay Quảng Ngãi đang phục hồi bài chòi để hình thức diễn xướng dân gian độc đáo này còn mãi với thời gian.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN


 

.