Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ được tổ chức vào ngày 5/5, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh giới thiệu về lễ đón bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam”. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Chương trình đón bằng công nhận này sẽ quy tụ gần 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ của 9 tỉnh có di sản Bài Chòi tham gia, trình diễn.
Tại buổi lễ, bên cạnh phần lễ, phần hội cũng được trú trọng với các nội dung: Nói về cội nguồn nghệ thuật Bài Chòi; thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa, đời sống cộng đồng của người dân miền Trung; bảo tồn, phát huy giá trị của Bài Chòi trong thời gian tới. Các tiết mục, hình ảnh và làn điệu Bài Chòi đặc sắc của 9 tỉnh khu vực Trung Bộ sẽ được trình diễn, giới thiệu trong chương trình.
Trước đó, vào ngày 7/12/2017, tại Hàn Quốc, Ủy ban Liên Chính phủ UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ thuật Bài Chòi được UNESCO ghi danh là niềm vui to lớn đối với các tỉnh, thành phố có di sản: Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa nói riêng, cũng như nhân dân cả nước nói chung.
Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ là loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài Chòi có 2 hình thức chính là "Chơi Bài Chòi" và "Trình diễn Bài Chòi". Chơi Bài Chòi là hô, hát kết hợp với thẻ bài có ghi tên các con bài và thường được tổ chức tại sân đình hoặc trên bãi đất trống vào dịp Tết Nguyên đán.
Nghệ thuật Bài Chòi là hoạt động văn hoá khá phổ biến trong cộng đồng làng xã ở nhiều làng quê khu vực Trung Bộ, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên khẳng định, việc UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng, các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Kết quả này cũng đồng thời ghi nhận sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, cùng các nghệ nhân trong việc bảo vệ di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ nói riêng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, tỉnh sẽ thực hiện một số công việc trong thời gian tới để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ. Đó là, tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật truyền thống của di sản.
Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến di sản, mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống đương đại.
Bên cạnh đó, có các hoạt động tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học để truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ và gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.
Nhật Nam/Chinhphu.vn