Sống và viết về Sơn Mỹ

08:03, 19/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu nước ngoài đã tìm gặp đại tá Võ Cao Lợi, một người con của xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) may mắn sống sót sau vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16.3.1968, để thu thập những tư liệu quý về vụ thảm sát này.

Đại tá Võ Cao Lợi nguyên là cán bộ Phòng Khoa học công nghệ và Môi trường Quân khu 5 (nay là Phòng Khoa học Quân sự). Hiện ông đang sống tại TP.Đà Nẵng.

Đi “truyền lửa”

Sau vụ thảm sát Sơn Mỹ, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung Trung Bộ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang liên tục tổ chức các buổi lễ phát động căm thù. Tại nhiều buổi lễ, người ta thấy một cậu bé 16 tuổi may mắn sống sót sau vụ thảm sát, thuật lại câu chuyện đau thương. Nhiều chiến sĩ sau khi nghe đã không cầm được nước mắt. Tất cả hạ quyết tâm biến đau thương thành hành động, đánh đuổi giặc Mỹ, trả thù cho nhân dân. Cậu bé ấy chính là đại tá Võ Cao Lợi sau này.

Trong quán cà phê Cổ Lũy có rất nhiều sách báo, trong đó có nhiều sách, báo viết về Sơn Mỹ.                                                                                                                       ẢNH: NV
Trong quán cà phê Cổ Lũy có rất nhiều sách báo, trong đó có nhiều sách, báo viết về Sơn Mỹ. ẢNH: NV


Trong không gian tĩnh lặng, đôi mắt buồn thăm thẳm khi khơi lại chuyện cũ, đại tá Võ Cao Lợi trải lòng: "Trong vụ thảm sát, gia đình tôi có bốn người ở nhà, thì ba người đã bị lính Mỹ giết chết. Tôi may mắn sống sót là nhờ nghe theo lời mẹ bảo: “Con lớn rồi, không sống hợp pháp được đâu, mau chạy trốn đi”. Cầm túi nhỏ đựng hai lon gạo và một bộ quần áo nhét vội từ tay mẹ, tôi vọt lên miệng hầm chạy trốn.

Vượt qua được làn đạn xối xả, trực thăng quần thảo trên đầu, tôi núp được dưới tán rừng dừa nước, cách hầm nhà tôi khoảng 100m và thoát chết. Đó là một buổi sáng kinh hoàng, mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh”. Mẹ mất. Cha đi tập kết. Cậu bé Lợi được các anh bộ đội ở Tiểu đoàn 48, Tỉnh đội Quảng Ngãi mang về nuôi. Sau đó, ông được chuyển về Quân khu 5 làm việc.
 

Bén duyên với nghiệp viết sử

Đại tá Võ Cao Lợi vốn tốt nghiệp ngành cơ khí- chế tạo máy của Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Sau khi ra trường vào năm 1992, là thời điểm Bộ Quốc phòng có chủ trương viết lịch sử ngành kỹ thuật quân sự trong toàn quân. Ông bén duyên với nghiệp viết sử từ đó. Ông từng viết và tham gia biên soạn một số công trình lịch sử như: “Lịch sử ngành quân giới Quân khu 5”, “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Sơn Tịnh”, “Biên niên sự kiện công tác Đảng, công tác chính trị lực lượng vũ trang Quân khu 5 (1945 - 1975), cùng rất nhiều bài báo, sách về Sơn Mỹ...

"Kho" tư liệu về Sơn Mỹ

Nằm giữa những tòa nhà cao tầng, quán "Cafe Cổ Lũy" của đại tá Võ Cao Lợi có không gian khá tĩnh lặng. Đây là nơi thường xuyên lui tới của nhiều bạn bè nơi ông sinh ra và rất nhiều nhà báo, nhà làm phim nước ngoài tìm đến. Trong đó, có nhà báo Mỹ Seymour M.Hersh, người đã thực hiện loạt phóng sự điều tra và viết cuốn sách My Lai 4: A Report on the Massacre and it’s aftermath (Mỹ Lai 4: Báo cáo về các vụ thảm sát và hậu quả của nó). Loạt bài giúp nhà báo Seymour M.Hersh nhận giải thưởng danh giá Pulitzer trong năm 1970.

Đại tá Lợi kể: “Năm 2014 Seymour M.Hersh đến Việt Nam và đến thăm tôi. Ông ấy biết tôi từ những bài báo mà tôi gửi cho các tạp chí khi còn đương chức và cả khi đã về hưu. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh về Sơn Mỹ. Ông ấy muốn tìm hiểu về những số phận sau vụ thảm sát Sơn Mỹ. Họ đã sống và làm việc như thế nào thời hậu chiến. Ông ấy tâm phục khi biết rằng, những số phận như tôi, không sống trong hận thù, mà biến nó thành hành động bằng những nhiệm vụ cao cả hơn là xây dựng đất nước".

Đại tá Lợi cho hay: "Khi những đồng nghiệp biết tôi là người sống sót sau vụ thảm sát Sơn Mỹ, nhiều người bảo rằng, sao anh không viết về Sơn Mỹ. Đó thật sự là điều tôi đắn đo, bởi không muốn khơi gợi lại quá khứ đau thương ấy. Vậy nhưng, năm 1998, tôi quyết định viết về vụ thảm sát Sơn Mỹ bằng tất cả những gì mình tận mắt chứng kiến. Bài viết được đăng trên Tạp chí Lịch sử Quân sự, tạo tiền đề cho những bài báo, quyển sách của tôi sau này về Sơn Mỹ".

Đại tá Lợi chia sẻ: "Vợ chồng tôi đều sinh ra ở Quảng Ngãi, đều tham gia hoạt động cách mạng, sống dưới sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân. Tôi vẫn sẽ tiếp tục viết về Sơn Mỹ bằng tiếng nói của người trong cuộc, về quá khứ đau thương và sự vươn lên phi thường của những người dân quê tôi. Hiện tôi đang hoàn thành bản thảo “Trong vòng tròn đỏ”, với mong muốn cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về vùng đất, con người Sơn Mỹ kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Ngọc Viên


                                                
 


.