Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến và ca khúc Ba lý duyên tình

02:03, 26/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Viết ca khúc khá nhiều, thế nhưng, ca khúc “Ba lý duyên tình” lại là ca khúc của Trần Xuân Tiến được nhiều người biết đến nhất.

Sinh ra tại vùng đất Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi). Đỗ tú tài toàn phần năm 1968, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến vào học Đại học Văn khoa Sài Gòn vào những năm chiến tranh đang ở giai đoạn khốc liệt nhất.

Ngay từ nhỏ, ông đã có năng khiếu âm nhạc và sáng tác những bài hát với ca từ rất trong sáng như Hái ổi, Duyên quê... Năm 1970, ông tham gia phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe", cùng với các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh... và ông cũng là một trong những thành viên chủ chốt của phong trào này cho đến ngày đất nước thống nhất. Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến đóng góp cho phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” gần mười bài hát, gồm có: Chim hòa bình, Dâng hoa cho nước, Em gái văn khoa, Học đánh vần...

Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến trả lời phỏng vấn Đài PT-TH Quảng Ngãi trong một lần về thăm quê.
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến trả lời phỏng vấn Đài PT-TH Quảng Ngãi trong một lần về thăm quê.


Viết ca khúc khá nhiều, thế nhưng, ca khúc “Ba lý duyên tình” lại là ca khúc của Trần Xuân Tiến được nhiều người biết đến nhất. Đó là bài hát được ông cảm xúc từ một cuộc gặp mặt đồng hương Quảng Ngãi, cách nay hơn hai mươi năm. Ông viết ca khúc này như một dòng trạng thái gửi gắm nỗi nhớ quê nhà, sau bao năm xa nơi chôn nhau cắt rốn. Viết như một hồi ức về những năm tháng tuổi thơ gắn bó với tiếng rì rào của đồng mía, hương mật đường thơm ngát những buổi chiều cuối đông, đầu xuân.
 

Năm 1986, Trần Xuân Tiến theo học khoa Lý luận sáng tác chỉ huy của Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh và sau đó, ông là Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu.

Theo nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, bài ca được ông viết dựa trên điệu hò ba lý trên dòng sông Trà; những điệu hò, điệu lý miền Trung luôn có nét giản dị, thẳng thắn trong tính cách của con người xứ Quảng, với tiết tấu vừa chậm, vừa nhanh, có ba thang âm là thấp, trung và cao, cùng các sắc thái này được diễn tả theo cách gọi dân gian là điệu mái dài, điệu mái lơi và điệu mái nhặt... Nghe câu hò Ba lý/ Vang trên dòng sông Trà/ Câu hát cứ ngân nga/ Ngọt thơm hương đất mẹ/ Nghe câu hò Ba lý/ yêu sao tình quê nhà/ Em hát khúc dân ca/ Gửi anh trai xứ Quảng/ Chút duyên tình đơn sơ.

Những người con xứ Quảng xa quê, lòng luôn nghĩ về món quà quê hương đậm đà từ quế cay, mía ngọt, cá thài bai, cá bống... nhưng trên hết vẫn là điệu hò quê hương gắn bó với người dân xứ Quảng: Gửi anh điệu hò quê hương/ Quế cay mía ngọt hương don quê nhà/ Gửi em con cá bống sông Trà/ Cá thài bai nước lợ...

Với người nghệ sĩ, điệu hò quê hương không chỉ hấp dẫn bởi giai điệu, tiết tấu mà cả nội dung thể hiện, luôn mang đậm phương ngữ và tính cách của con người xứ Quảng. Đó chính là một đời sống tình cảm chân thành của người dân với cuộc sống; hình ảnh của những con người chất phác, thẳng thắn và giản dị...

Theo nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, tiếng hò trên sông Trà ra đời từ chính trong quá trình lao động và sinh hoạt của người dân. Dòng sông Trà hiền hoà và thơ mộng đã nuôi dưỡng tình yêu và tâm hồn nghệ sĩ của người dân, để rồi, mỗi khi buông mái chèo, ai cũng sẽ dễ dàng cảm thấy rung động lòng mình về tình cảm thiết tha, mặn nồng, niềm tin yêu của con người đối với quê hương.

Dòng sông Trà luôn trong tâm tưởng của những người con xa xứ, và hằn sâu những hình ảnh mộc mạc của người dân quê, để khi nghĩ về quê hương, họ lại cất lên những giai điệu tha thiết. Tình ta như núi Ấn sông Trà/ lá trầu xanh kết bạn/ Cho anh gửi chín buồng cau làm quà. Tình đã thắm từ những câu hò ba lý, ca từ của bài hát giản dị mà sâu lắng, mượt mà chân chất như tấm lòng của những người con xa quê, nhớ về những tháng năm thơ ấu, về những kỷ niệm. Ca khúc đã và sẽ ngân vang trong những cuộc gặp mặt đồng hương, những cuộc vui bè bạn và cả những kỳ hội thi, hội diễn văn nghệ trên quê hương đất Quảng.
 

Bài, ảnh: HUỲNH THẾ


 


.