Bốn đời gìn giữ tư liệu quý

02:03, 17/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông Diệp Công Thang, ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) đang lưu giữ một tư liệu quý của người xưa để lại, đó là “Trường Sa khoa” - sách hướng dẫn Lễ khao lề thế lính Trường Sa.

Đây là một tư liệu quý hiếm về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Trường Sa còn lưu giữ trong đất liền cho đến nay.

Kỳ công gìn giữ

Năm nay cụ Thang đã 95 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông kể lại, mình vốn là một cư sĩ Phật giáo, biết đọc, biết viết chữ Hán - Nôm. Từ thời ông nội rồi đến cha ông đều là thầy cúng, thường được mời đi cúng lính Trường Sa, Hoàng Sa ở các nơi thuộc vùng biển của các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ...

Cụ Diệp Công Thang với tập sách quý
Cụ Diệp Công Thang với tập sách quý "Trường Sa khoa" đang lưu giữ tại nhà mình. Ảnh: NK


Tập “Trường Sa khoa” này do ông nội của ông Thang trong một lần đi cúng ở vùng biển phát hiện. Cụ đã chép lại trên một tập giấy vốn là biểu kê khai hàng hóa trên tàu biển của người Pháp mà cụ kiếm được thời đó, với quốc hiệu được ghi trong tập sách này là Đại Nam. Do lâu ngày nên cuốn sách bị sờn rách, cha của ông đã phải chép lại bằng chữ Nho và lưu giữ cho đến tận bây giờ.

Sau khi cha mất, ông Thang là người gìn giữ cuốn sách này. Ông quý nó hơn của cải, giấy tờ ruộng đất. Sợ bị ngập nước ông phải làm rầm gác nó lên trần nhà. Còn trong những năm chiến tranh ác liệt, mỗi khi chạy giặc, ông đều mang nó bên mình. Có lần địch dội pháo ngay trước sân nhà. May nhà không cháy, nên cuốn “Trường Sa khoa” mới còn đến bây giờ.

Khi nghe người cháu gọi ông bằng cậu nói Nhà nước đang rất cần tư liệu cổ để làm chứng cứ bảo vệ chủ quyền của quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, ông Thang liền nhớ ngay đến “Trường Sa khoa” và cho giới thiệu rộng rãi, để mọi người cùng biết. Giờ đây, khi tuổi đã cao, ông lại giao “Trường Sa khoa” cho con trai là Diệp Công Đóa (hơn 60 tuổi) cất giữ và căn dặn phải gìn giữ thật cẩn thận như ông, cha trước đây đã làm.

Một tư liệu quý

Trải qua những biến thiên của lịch sử, bốn đời dòng họ Diệp ở Tịnh Long vẫn nâng niu, gìn giữ “Trường Sa khoa” cho đến tận bây giờ. Theo đánh giá của các nhà sưu tầm, nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa thì tập “Trường Sa khoa” là một tư liệu quý, giúp hiểu thêm nhiều về đội Hoàng Sa, Trường Sa và công cuộc quản lý, khai thác một cách bền bỉ, hệ thống hai quần đảo này của cha ông ta.

Ngoài phần nội dung có phần tương ứng với các văn tế trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã sưu tầm được, thì đây là tư liệu đầu tiên về lễ tế này được tìm thấy ở đất liền (các tư liệu khác đã sưu tầm được đều ở đảo Lý Sơn-PV). Qua đó, có thể nhận định rằng, số dân binh tham gia trong phiên chế các đội Trường Sa, Hoàng Sa không chỉ ở các làng thuộc Sơn Tịnh (cũ) và An Vĩnh, An Hải ở đảo Lý Sơn, mà còn có khá nhiều người ở các địa phương khác nằm sâu trong đất liền ở Quảng Ngãi, thậm chí ở Bình Định cũng như nhiều nơi khác như trước đây Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú từng ghi chép.

Những thông tin này gợi ý cho chúng ta, cần phải tiếp tục điều tra toàn bộ các di tích có liên quan đến đội Trường Sa, Hoàng Sa không chỉ trên đất Quảng Ngãi mà còn ở nhiều nơi khác dọc miền Trung, để bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể trên đảo Lý Sơn cũng như dọc biển, đảo miền Trung. Cùng với đó cần có sự hỗ trợ thiết thực để đánh giá những di sản Hán – Nôm còn trên đất Quảng Ngãi và dọc duyên hải miền Trung. Điều này sẽ giúp chúng ta có thêm những tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.


Nguyễn Khâm

          

 


.