Di tích quốc gia đặc biệt

08:02, 28/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuân này, Đảng bộ và nhân dân huyện Ba Tơ rất vui, vì đây là mùa xuân đầu tiên quần thể di tích Khởi nghĩa Ba Tơ được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng là niềm vui lớn của nhân dân trong tỉnh. Trong những ngày đón Tết,  vui Xuân, lượng khách đến các điểm di tích tham quan và tìm hiểu lịch sử tăng cao so với những năm trước.

TIN LIÊN QUAN


Ba Tơ có 14 di tích liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, trong đó có 12 di tích được Chính phủ công nhận là quần thể Di tích quốc gia đặc biệt.

Điểm đến hấp dẫn

Biết quần thể di tích Ba Tơ được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, vợ chồng chị Thới Thị Thu Hằng, ở xã Phổ Phong (Đức Phổ) không quản ngại đường xa, mới mùng ba Tết đã đến Bảo tàng Ba Tơ để tham quan, tìm hiểu. Chị Hằng bộc bạch: Thời còn đi học, tôi đã nghe người lớn tuổi ở làng kể nhiều về những chiến công của Đội du kích Ba Tơ và tấm lòng son sắt của đồng bào Hrê nơi này. Mỗi lần xa quê trở về, có dịp lên Ba Tơ thăm bà con, bạn bè, tôi đều ghé thăm các di tích, Bảo tàng Ba Tơ. Giờ đây quần thể di tích Ba Tơ được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, gia đình đều háo hức lên tham quan trước khi trở lại TP.Hồ Chí Minh mưu sinh.

Nhiều du khách đến thăm quần thể Di tích quốc gia đặc biệt khởi nghĩa Ba Tơ.
Nhiều du khách đến thăm quần thể Di tích quốc gia đặc biệt khởi nghĩa Ba Tơ.


Trong những ngày đón Tết, vui Xuân, Bảo tàng Ba Tơ luôn mở cửa đón khách. Khách đến tham quan không chỉ trong vùng, mà cả khách ngoài tỉnh khá nhiều. Anh Nguyễn Duy Phương, ở xã Ba Động, có gia đình ở TP.Quảng Ngãi, khi về thăm quê cũng tranh thủ đưa vợ con đi tham quan Bảo tàng Ba Tơ. Từng hiện vật, tài liệu, tranh ảnh được bày trí tại bảo tàng được anh thuật lại cho các thành viên trong gia đình.

Phụ trách Bảo tàng Ba Tơ ông Bùi Đình Ngôn, cho hay: Hơn 1 tuần qua, khách đến Bảo tàng Ba Tơ khá đông. Trung bình mỗi ngày có khoảng từ 200 - 300 khách. Bảo tàng Ba Tơ hiện có khoảng 300 tranh, ảnh hiện vật,  liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ. Phòng trưng bày bảo tàng có sa đồ hướng dẫn về những trận đánh, những địa điểm du kích Ba Tơ rải truyền đơn tuyên truyền, nơi tuyên thệ, tập luyện, hội họp... Sau khi tham quan bảo tàng, nhiều du khách cũng muốn về tận các điểm di tích để cảm nhận sự dày công, gan dạ của ông cha cống hiến cho cuộc khởi nghĩa.

Cần đầu tư nâng cấp di tích

Đường về các điểm di tích nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt hôm nay khá thuận lợi. Từ Bảo tàng Ba Tơ du khách theo Quốc lộ 24 ngược đường đến tổ dân phố Tài Năng, thị trấn Ba Tơ thăm di tích nhà đồng chí Trần Quý Hai. Tại đây du khách sẽ hiểu hơn về sự kiện đêm 10.3.1945. Trong ngôi nhà tranh, vách tre nứa của đồng chí Trần Quý Hai, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp và thống nhất ra quyết định chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền từng phần trong toàn tỉnh, trước hết là huyện Ba Tơ.

Theo con đường nhựa băng qua những khóm rừng thông gần trăm năm tuổi còn sót lại, du khách đến di tích Chòi canh Suối Loa (Ba Động). Giữa núi đồi mênh mông, du khách sẽ dễ hình dung năm xưa nhân dân trong vùng đã dùng cây rừng, tranh, nứa để dựng chòi có chiều rộng 4m2, chiều cao 5m. Trong ngôi chòi này đã trở thành điểm bí mật để chuyển tin tức từ đồng bằng lên và ngược lại. Đặc biệt, trong ngôi chòi này đã diễn ra một cuộc họp khẩn cấp của Ban lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ chuyển hướng chớp lấy thời cơ nổi dậy đấu tranh vũ trang, giành chính quyền vào chiều ngày 11.3.1945... Các điểm di tích Bến Buông, núi Cao Muôn, hang Én, hang Vọt Rệp đều có nhiều đoàn khách đến tham quan, khám phá tìm hiểu.

Mỗi điểm di tích ở mỗi địa phận, mỗi vùng đều ghi dấu của Đội quân du kích Ba Tơ một lòng kiên trung với Đảng, với Tổ quốc, tấm lòng thủy chung của đồng bào Hrê nghèo khó năm xưa nhưng vẫn góp gạo nuôi quân. Việc công nhận quần thể Di tích khởi nghĩa Ba Tơ là Di tích cấp quốc gia đặc biệt là thêm một lần khẳng định công lao to lớn của thế hệ cha ông trong cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, đóng góp vào thành công chung của phong trào cách mạng cả nước.

Tuy vậy, hiện nay các điểm di tích mới chỉ được tôn tạo, dựng bia; nhiều điểm di tích chưa được phục dựng. Du khách về đây chưa hiểu nhiều về nội dung, ý nghĩa của di tích. Phụ trách Bảo tàng Ba Tơ Bùi Đình Ngôn, cho rằng: Đối với di tích nhà đồng chí Trần Quý Hai, Chòi canh Suối Loa, đồn Ba Tơ... rất cần phục dựng nguyên bản; các di tích như hang Én, Nha Kiểm Lý... cần tôn tạo nâng cấp biểu tượng di tích; hay điểm di tích núi Cao Muôn, hang Vọt Rệp... bên cạnh nâng cấp bia, cũng cần quy hoạch để kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Có vậy du khách mới về đây tham quan, tìm hiểu di tích, thưởng ngoạn thắng cảnh, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của bà con đồng bào Hrê.


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.