(Báo Quảng Ngãi)- Di tích Khu xà lim, ở số 71 Hùng Vương (TP.Quảng Ngãi), là nơi ghi dấu tội ác của Mỹ-ngụy trong những năm tháng chiến tranh. Đây cũng là nơi chứng kiến lòng quả cảm, kiên trung của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày.
Sau một thời gian dài Công ty Bảo Việt Nhân thọ Quảng Ngãi sử dụng ngôi nhà, mà từ năm 1955-1959 chính quyền Sài Gòn dùng làm khu xà lim để giam cầm, tra tấn, thủ tiêu chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước, nay di tích này đã được hoàn trả và tôn tạo, để tương xứng với di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Chứng nhân của lịch sử
Tại di tích Khu xà lim, nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày đã vĩnh viễn ra đi, bởi những đòn tra tấn dã man của Mỹ-ngụy. Những người từng bị địch giam cầm, tra tấn ở khu xà lim, mỗi lần đến đây đều không cầm được nước mắt. Hình ảnh phòng giam được phục dựng khiến họ càng nhớ đến đồng chí, đồng đội đã hy sinh.
Di tích Khu xà lim, ở số 71 Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi. |
Ông Nguyễn Hữu Thường (81 tuổi), ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức) cho biết, mỗi xà lim bề rộng chừng 1m, dài 2m, giam từ 1-2 người tù. Địch xiềng chéo hai tay của người tù ra phía sau, cùm chéo hai chân phía trước. Vậy nên, người tù chỉ ngồi, chứ không thể nằm. Vết thương do địch đánh đập lở loét, chảy máu, bị côn trùng tấn công, nhưng người tù chỉ biết cắn răn chịu đựng vì tay, chân đều bị cùm. Ông Thường bị địch giam ở khu xà lim 3 tháng (vào năm 1958), sau đó giam ở Trung tâm cải huấn Quảng Ngãi. “Nhớ nhất là anh Cứ, anh Oanh, các anh ấy luôn động viên anh em cố gắng chịu đựng, kiên quyết không khai, để giữ vững khí tiết người cộng sản. Đòn tra tấn của địch rất dã man, nhưng nào có thắng được lòng yêu nước của chiến sĩ cộng sản”, ông Thường nhớ lại.
Trong số những chiến sĩ cách mạng địch giam cầm, tra tấn dã man và hy sinh tại khu xà lim có đồng chí Nguyễn Cát (quê Sơn Tịnh)-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mộ Đức, trong kháng chiến chống Pháp là Chủ tịch Uỷ ban hành chính-kháng chiến huyện Sơn Tịnh. Theo lời kể của Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh Lê Quang Ba, tháng 2.1957, địch đưa ông đến khu xà lim lấy cung. Tại đây, ông đã gặp đồng chí Nguyễn Cát.
Đồng chí Nguyễn Cát có tên trong danh sách đày đi Côn Đảo cùng với ông, nhưng địch đã giữ lại với ý đồ thủ tiêu. Đồng chí Nguyễn Cát kiên quyết không khai, mặc cho địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn. Địch điều cả bộ phận nha công an Trung Việt ở Huế vào để khai thác, nhưng vẫn không có được bất kỳ thông tin nào từ đồng chí Nguyễn Cát. Đến tháng 8.1957, thì người cộng sản kiên trung này hy sinh. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Cát đã tiếp thêm sức mạnh cho những chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm, tra tấn ở khu xà lim, để luôn chiến thắng trước mọi thủ đoạn của kẻ thù.
Nơi giáo dục lòng yêu nước
Di tích Khu xà lim tuy đã được tôn tạo, nhưng hiện nay vẫn chưa phát huy giá trị của di tích lịch sử. Nhiều người dân trong tỉnh vẫn chưa biết đến di tích Khu xà lim. Ngôi nhà tại di tích Khu xà lim được trùng tu vào năm 2014, tại đây có hai phòng giam được phục dựng, ngoài ra không có bất kỳ hiện vật nào, để tái hiện lại khu xà lim năm xưa.
Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh Lê Quang Ba kể chuyện bị giam cầm ở Khu xà lim. |
Hiện tại, Hội Tù yêu nước tỉnh mượn ngôi nhà tại di tích làm văn phòng Hội. Hằng ngày, cán bộ Hội Tù yêu nước tỉnh, những người từng bị địch bắt tù, đày thắp hương để tưởng nhớ những đồng chí, đồng đội đã hy sinh tại Khu xà lim. Vì thế, ngôi nhà trở nên ấm cúng hơn. Tuy nhiên, để phát huy giá trị của di tích lịch sử này, Hội Tù yêu nước tỉnh đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng ở TP.Quảng Ngãi và của tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư phục dựng di tích. Chủ tịch Hội Tù yêu nước Lê Quang Ba tâm sự: “Tại khu xà lim này, máu của biết bao đồng chí đã đổ xuống, để cho ý chí cách mạng và lòng yêu nước được sống mãi. Thế nên, nơi đây cần được quan tâm đầu tư, để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ”.
Theo Phó Trưởng Phòng VH-TT TP.Quảng Ngãi Phạm Thị Phương Nhung, cơ quan chức năng ở TP.Quảng Ngãi đang tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm của một hộ dân, nhằm trả lại mặt bằng thông thoáng tại khu vực xung quanh di tích Khu xà lim.
“Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh giúp đỡ sưu tầm hiện vật, để xây dựng nơi đây trở thành bảo tàng với những hiện vật liên quan đến cuộc sống của những chiến sĩ cách mạng trong những tháng năm bị địch bắt tù, đày. Có như vậy mới thường xuyên mở cửa di tích phục vụ khách tham quan, để mọi người biết về giá trị lịch sử của di tích Khu xà lim”, bà Nhung kiến nghị.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ