(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày cơn lũ dữ đi qua, một màu nước đỏ ối từ thượng nguồn đổ về xuôi, xé ngang dọc các khu dân cư ở vùng trũng, nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà trong nước lũ. Đó là cảnh tơi tả ở đồng rau, lắt lay trong nước ở đồng hoa, luống cúc phủ dày bùn non. Cảnh tan hoang còn chạy dọc dài theo con nước, xé toạc những quả đồi, khoét sâu những bờ suối, bứng đi những vườn cây ăn quả, phá vỡ những con đường. Đường đi của lũ không có vật cản, nước tống về xuôi trong tích tắc, chảy ầm ào ra cửa biển, kéo đi bao vựa tôm, mẻ cá, gây nên cảnh triều cường, cuốn phăng những ngôi nhà, đe dọa các khu dân cư dọc dài mé biển...
Hàng nghìn ngôi nhà ngập chìm trong lũ. |
Tôi còn thấy trong mưa lũ, những ánh mắt đau thương, thất thần của những người mẹ, người cha cả đời lam lũ khi lũ cuốn đi đàn gà, bầy vịt, đàn heo.... Thấy nét xanh xao của người chị cả đời nuôi chồng con bên hàng quán bị cuốn đi trong đêm. Mỗi bước chân đi trong lũ, cái lạnh của nước nguồn đâu nhói buốt bằng cảnh tan hoang. Mưa vẫn trút trên đầu, các mẹ xắn quần kéo bò lên gác, nơi mà ngày nắng ráo là góc học tập, chỗ ngủ của con; rồi các mẹ vớt vát những thứ còn sót lại vương vãi bên mé nước...
Trong lũ, tôi còn thấy sự sẻ chia đậm tính nhân văn của cộng đồng, dù chỉ là gói mì tôm, nước uống, nhưng đã kịp thời làm ấm lòng, đỡ khát bao phận người. Thấy lực lượng thanh niên xung kích suốt đêm dầm mình trong nước để trao tận tay cho mẹ, cho những gia đình vùng cô lập những phần quà; hỏi han ân tình...
Chứng kiến những gì còn lại sau cơn lũ dữ, tôi đau đáu muốn tìm câu trả lời: Nước lũ từ đâu ùa về nhanh thế...?! Cha tôi cùng với những người sống chết bên bìa rừng từng kể rằng: Ngày xưa mưa cũng dữ dội, nhưng lũ về chậm thôi. Đó là mùa đàn ông trong làng có thể ung dung ra nà thả mẻ cá cho cả nhà ngon bữa.
Giờ, có mấy ai dám ra rìa sông thả cá mỗi khi lũ về. Chỉ có trẻ con chưa hiểu chuyện, chưa thấy hết sự nguy hiểm khôn lường của mưa lũ mới nô đùa trên dòng nước đục ngầu như thế.
Năm nào sau lũ cũng để lại bao cảnh tang thương. Các cấp, các ngành quyên góp hỗ trợ vùng lũ. Nhà nước phải bỏ hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả lũ lụt. Nhiều người mạo muội hỏi, liệu tiền đóng thuế từ những cánh rừng nguyên liệu đủ để đổi lấy bao sinh linh con người dưới vùng hạ du, đủ để bồi đắp thiệt hại hoa màu, nhà cửa, công trình, kiến trúc do mưa lũ? Một câu hỏi cần lắm câu trả lời...
Bài, ảnh: MAI HẠ