Một lần đưa Văn Cao về Sa Hùynh

09:07, 31/07/2017
.

Thanh Thảo


 (Baoquangngai.vn)- Tôi nhớ em Thủy - chúng tôi thường gọi đùa là em “Thủy mát”, làm ở phòng tuyên truyền Công ty Du lịch Nghĩa Bình. Thủy khá nhanh nhẹn và tháo vát, lại hay kiếm mua được rượu “Tây” ngon và rẻ trong khách sạn du lịch Quy Nhơn cho mấy “đàn anh” là chúng tôi nhậu chơi.

 

nhạc sĩ Văn Cao
Nhạc sĩ Văn Cao


Khi tôi cùng Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo đưa vợ chồng nhà thơ-nhạc sĩ Văn Cao vô chơi ở Quy Nhơn, vợ chồng bác Văn Cao đã có hơn 10 ngày thăm thú và vui chơi đúng nghĩa. Chính trong thời gian đó và ở Quy Nhơn, Văn Cao đã viết được “chùm ba” thơ, ba bài thơ cực ấn tượng về Quy Nhơn, mà câu thơ:

                        “Từ trời xanh
                          Rơi
                          Vài giọt tháp Chàm
                          Quanh Quy Nhơn”


được nhiều người coi là tuyệt bút. Đúng là những tháp Chàm đã “rơi từ trời xanh” xuống để trở thành báu vật của Bình Định-một cái nôi văn hóa từ hàng nghìn năm nay. Cảm nhận của những nhà thơ lớn bao giờ cũng chuẩn như vậy.

Sau một tuần vợ chồng bác Văn Cao ở Quy Nhơn, tôi đề xuất nên tổ chức đưa hai bác về Quảng Ngãi chơi. Tôi nói với Công ty du lịch, và yêu cầu công ty để em Thủy đưa đoàn của nhạc sĩ Văn Cao về Quảng Ngãi. Thủy rất tháo vát, đã đề xuất Công ty cấp… bia và rượu, hồi đó phổ biến là rượu cô-nhắc Ararat và rượu vodka Ba Lan, chúng tôi hay gọi là “vodka lá lúa”, để đoàn chủ động… uống trên đường về Quảng Ngãi. Công ty du lịch Nghĩa Bình đã cấp hẳn một con xe để chở đoàn kèm với… bia và rượu.

Chúng tôi lên đường buổi sáng, và ăn trưa ở khách sạn du lịch Sa Huỳnh. Nói thêm, khách sạn du lịch ấy sau này đã chuyển thành một resort rất đẹp và thu hút khách du lịch, còn hồi đó, khách sạn cũng khá khiêm nhường, nhưng rất sạch sẽ và thân thiện với khách. Ban đầu chúng tôi cũng dự định ăn trưa ở Sa Huỳnh rồi đi Quảng Ngãi, nhưng không hiểu sao, nhạc sĩ Văn Cao khi gặp biển Sa Huỳnh, gặp núi Sa Huỳnh, gặp đảo Khỉ Sa Huỳnh, ông đã ngay lập tức mê mẩn. 

Phần chúng tôi, dù đã quen với khách sạn này, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đi với Văn Cao về Sa Huỳnh, lại cảm nhận được sự hứng khởi của nhà thơ-nhạc sĩ tài ba đối với vùng đất này, nên tôi bàn với em Thủy mình nên ở lại đây chơi, ở hẳn một đêm cho bõ công và thỏa lòng. Thủy bàn với khách sạn, và tất cả nhân viên ở đây, từ giám đốc tới em phục vụ bàn đều hân hoan vì “Bác Văn Cao thân yêu” ở lại với khách sạn Sa Huỳnh một đêm.

May mắn làm sao, đêm ấy sáng trăng, và cả biển Sa Huỳnh như ngợp trong ánh trăng xanh mát. Chúng tôi ngồi thật sát biển, chỉ để ngắm biển và thở cùng với biển.

Bác Nghiêm Thúy Băng-phu nhân của bác Văn Cao-một người phụ nữ đảm đang chung thủy khó gặp trong đời, nói với chúng tôi là chưa bao giờ vợ chồng bác cảm thấy vui như khi ở Sa Huỳnh. Có thể bởi phía dưới nơi chúng tôi ngồi ngắm trăng và ngắm biển là cả một nền văn hóa từ 3000 năm trước-nền văn hóa Sa Huỳnh.

“Hướng dẫn viên” Thủy đã nói với vợ chồng bác Văn Cao về những mảnh gốm Sa Huỳnh có từ ba, bốn nghìn năm trước, về mảnh đất đã từng xảy ra bao cuộc chiến tranh, bao phen đụng độ thưở xưa, và vào đầu năm 1973, đã là nơi quyết chiến giữa quân giải phóng và quân đội Sài Gòn trong cuộc “giành đất cắm cờ” khốc liệt. Thủy cũng nói về vùng biển nổi tiếng với nghề làm muối, muối Sa Huỳnh đã có thương hiệu hàng trăm năm nay.

Nghe Thủy nói về Sa Huỳnh, tôi thấy bác Văn Cao như chưa bao giờ thoải mái như thế. Bác ngồi ngả người trên chiếc ghế nhìn ra biển, nhấm nháp một chút rượu vodka “lá lúa”, và như thả hồn về tận đẩu đâu. Tôi và Thụy Kha cũng cảm thấy sảng khoái không kém gì bác Văn Cao, còn bác gái Thúy Băng thì chạy đi chạy lại, thăm hỏi từng em gái phục vụ khách sạn.

Sa Huỳnh năm 1985 ấy với tôi thật đáng nhớ. Chúng tôi đã đưa được nhà thơ-nhạc sĩ Văn Cao về đây, hội ngộ với những người lao động bình thường là các em gái phục vụ khách sạn, hội ngộ với cả một nền văn hóa đã chìm sâu trong lòng đất từ 3000 năm trước, hội ngộ với trăng xanh trên biển, với những vệt đèn thuyền đánh cá ngoài xa.

Chỉ một đêm với biển Sa Huỳnh, nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã viết được một ca khúc mà anh và chúng tôi rất ưng ý, bài hát “Đêm biển Sa Huỳnh” gam Rê trưởng. Thụy Kha đã hát vang luôn trong đêm biển mà bè đệm là tiếng sóng biển vỗ bờ: “ Em nói khẽ khàng làn tóc bay...”. Nhạc sĩ Văn Cao rất tán thưởng bài hát mới được sáng tác tại chỗ này, một “dạ khúc” (nocturne) mà nhiều năm sau còn được hát rất nhiều ở Nghĩa Bình và Sa Huỳnh. Sau bao nhiêu năm lận đận, tôi như thấy Văn Cao được hồi sinh. Có phải biển Sa Huỳnh đã mang lại cho ông sự hồi sinh kỳ diệu ấy?

Phần tôi, cũng viết được một chùm thơ về Sa Huỳnh, và đây là một bài thơ nhỏ trong chùm thơ ấy:               

            
                                       
                     SA HUỲNH  
 
phía sau khoảng đèo gấp khúc
những chiếc xe thả dài bên sóng
biển trưa chuyển màu yên tĩnh
những con tàu tự động buông neo

nếu không em anh chỉ là cát trắng
anh chỉ là những mảnh sành quên lãng
nếu không em

những máy bay phản lực siêu âm
dẫu tan xác cũng tìm bãi này đáp xuống
những đĩa bay của hành tinh mê sảng
bất động hoàn toàn trước em

cua huỳnh đế một gam màu chói gắt
như sửng cồ với mặt trời
em mời anh ly vodka
thoang thoảng mùi lá lúa

                                                 Tháng Tư 1985
 

 


.