Săn đề tài cho các giải báo chí

07:06, 27/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến hẹn lại lên, Giải báo chí Quốc gia, Giải báo chí tỉnh lần thứ IX tiếp tục vinh danh những tác phẩm tiêu biểu, được đầu tư nghiêm túc về công sức, trí tuệ, ý thức trách nhiệm cao và tính sáng tạo của từng tác giả, nhóm tác giả.  Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau những thành công ấy là cả một câu chuyện dài mà các nhà báo phải vượt lên chính mình trước những khó khăn, thách thức trong cuộc sống...

Là một trong những người làm báo chăm chỉ “cày cuốc” giữa “cánh đồng cuộc sống” ngồn ngộn chất liệu "trắng - đen, tốt - xấu", nhà báo Lê Văn Chương (Báo Biên phòng), xuất thân từ người lính đã có được những thành công nhất định trong nghề mà nhiều nhà báo khác mơ ước. Nghe anh kể về hành trình ra đời của phim phóng sự truyền hình: “Xuôi ngược biển khơi trên tàu 67” do chính anh thực hiện, khiến chúng tôi không khỏi khâm phục về tình yêu nghề của anh. Bộ phim này đã được Bộ Ngoại giao trao giải tác phẩm nghiên cứu Biển Đông xuất sắc.

Tận dụng mọi không gian để tác nghiệp.                                 ảnh: tl
Tận dụng mọi không gian để tác nghiệp. ảnh: tl


Mới đây, tác phẩm “Tàu 67 mắc cạn” có sự tham gia của anh đã đạt giải B - Giải Báo chí Quốc gia năm 2016. Sở hữu nhiều giải báo chí cấp tỉnh và Quốc gia, nhưng anh vẫn khiêm tốn cho rằng, mình có cái duyên gặp may mắn mà thôi. Cái duyên ấy không đến từ "bàn giấy" mà nó ở "ngay trong dân", nên nhà báo cần phải đi thực tế. Trong đó, đề tài là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công bước đầu của tác phẩm. Như việc “hẹn hò” với 2 tàu cá 67 trong tác phẩm “Xuôi ngược biển khơi trên tàu 67” (tác phẩm vào vòng chung khảo Giải báo chí Quốc gia) và ra khơi cùng con tàu Quảng Nam 91327 TS giữa mùa đông sóng gió vào tháng 10.2016.

Anh Chương kể: Tôi kiên nhẫn đeo bám, kể cả lúc ngủ. Tiếng thì thầm nói chuyện từ các ngư dân, đã giúp tôi tìm được nhân vật chính là ngư dân Nguyễn Tấn Đại, có cha mất ở Hoàng Sa nhiều năm trước. Nhân vật này đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt của phim. Số phận con người bao giờ cũng làm tác phẩm nổi bật. Kết quả, tôi đã quay được những hình ảnh đắt giá giữa biển khơi và dựng thành một bộ phim. Hay như  tác phẩm “Tàu 67 mắc cạn” đã đưa ra những thông tin cảnh báo, những lỗ hổng trong công tác triển khai chủ trương, thông qua ý kiến ngư dân...

Cùng với đề tài biển đảo, nhưng ở tác phẩm "Từ nghi lễ của dòng tộc đến chủ quyền Tổ quốc"  đạt giải B Giải Báo chí Quốc gia đã được nhà báo Tấn An (Đài PT-TH Quảng Ngãi) lựa chọn và sử dụng các chất liệu dân gian ở đảo Lý Sơn, gắn với quá trình ra đi tìm kiếm sản vật, cắm mốc chủ quyền và thực thi nhiệm vụ trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đó là những khúc hát ru, là tiếng ốc u, là thanh âm quen thuộc trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; là tiếng chim tu hú gọi mùa biển mới hằng năm. Những chất liệu dân gian trong di sản tâm linh vĩnh cữu ấy cùng với các bằng chứng pháp lý có giá trị, phù hợp với luật pháp quốc tế và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta xuyên suốt nhiều thời đại, tác giả Tấn An đã góp phần thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhà báo Tấn An chia sẻ: Đây là đề tài không mới, song với bố cục và cách thể hiện gần gũi, tận dụng được những ưu thế của loại hình phát thanh, sử dụng âm thanh rõ ràng, phù hợp, đặc biệt là các âm thanh đặc trưng chỉ có trong dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn, nên đã cuốn hút người nghe. Qua đó, thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế, tinh thần thượng tôn pháp luật và khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thời gian gần đây, sức hút được ví như “nam châm” là đề tài về xây dựng Đảng. Đây được xem là đề tài lớn, có nhiều vấn đề để nhà báo, những người có tâm huyết với lĩnh vực này thỏa sức nghiên cứu, tìm hiểu làm nên các tác phẩm báo chí hay, có giá trị thực tiễn cao. Không có gì ngạc nhiên khi tác phẩm “Nghị quyết Trung ương 4- Cách làm sáng tạo ở tỉnh Quảng Ngãi’ của nhóm tác giả Thái Anh, Kiều Hoanh, Xuân Long, Tiến Công, Thiện Hòa, Tấn An (Đài PT-TH Quảng Ngãi) đạt giải B Giải Búa liềm vàng lần thứ nhất 2016 và sau đó được trao giải A Giải Báo chí Quốc gia năm nay.

Nhà báo Kiều Hoanh là người trực tiếp làm kịch bản cho tác phẩm chia sẻ: Ê kíp chúng tôi may mắn được làm việc với những người “nói và làm” như  Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ... Chương trình phát thanh trực tiếp là thể loại khó, phải làm việc nghiêm túc thì mới làm ra một chương hay.

Trong chương trình này, ngoài việc lựa chọn đề tài, xây dựng kịch bản tốt, thì các vị khách mời là những người quyết định rất lớn đến thành công của chương trình. Công tác đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy với nhân dân được xem là cách làm sáng tạo của Quảng Ngãi trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đặt kỳ vọng.        

     
Thanh Thuận



 


.