(Báo Quảng Ngãi)- Đó là những nét văn hóa dân gian của miền Ấn - Trà được nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh giới thiệu trong cuốn sách "Văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân Quảng Ngãi", vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản.
Nhà nghiên cứu văn hóa LÊ HỒNG KHÁNH |
Cuốn sách "Văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân Quảng Ngãi" là tập hợp những bài viết về văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân Quảng Ngãi, gồm các tộc người Việt, Hrê, Cor và Ca Dong. Trong đó đề cập đến những hiện tượng và sinh hoạt văn hóa dân gian do chính tác giả đã có dịp tiếp xúc, tìm hiểu, trải nghiệm.
Mở đầu cuốn sách, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh đã đem đến cho bạn đọc một cái nhìn khái quát về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; lễ hoàn nguyện; lễ cầu ngư; tục thờ cúng âm hồn, cô hồn; tục thờ cúng cá ông; tục Tết thầy- cúng tổ; hát múa sắc bùa; chơi và hát bài chòi; hát múa bả trạo; hát hố; lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn. Tác giả cũng giới thiệu đến bạn đọc các món đặc sản của Quảng Ngãi như: Cá bống sông Trà kho tiêu, mạch nha Thi Phổ, đường phèn, đường phổi, don, kẹo gương Thu Xà...
Theo thời gian, nhiều giá trị văn hóa dân gian bị mai một, thậm chí không còn được lưu giữ. Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh đã tìm hiểu từ ký ức của các nghệ nhân, anh đã đi sưu tầm và tập hợp lại như hát hố, hát bả trạo. Tác giả Lê Hồng Khánh đã đi điền dã và góp nhặt cùng với vốn sống để tập hợp thành bức tranh đa sắc màu về giá trị văn hóa ở Quảng Ngãi. Với niềm đam mê, tình yêu gắn bó sâu sắc với lĩnh vực văn hóa, Lê Hồng Khánh trở thành một phần trong cuộc sống của những vạn chài, các làng xóm của người Cor, Hrê...
Qua cuốn sách, tác giả mong muốn cung cấp cho đông đảo bạn đọc hình dung tổng thể văn hóa các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Quảng Ngãi. Tác giả Lê Hồng Khánh đã khái quát những hiện tượng và sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân Quảng Ngãi từ miền biển lên miền núi đến đồng bằng. Mỗi một cộng đồng dân tộc, với những giá trị văn hóa đặc trưng.
Ông Lê Hồng Khánh cho biết, người Hrê sống định canh, định cư nên thường sống gần con suối, thung lũng để làm lúa nước. Người Cor và Ca Dong trước đây sống du canh, du cư. Người Ca Dong là một bộ phận của người Xê Đăng sống ở vùng cao, vì họ cho rằng núi cao là nơi thần linh cư trú, còn những nơi thấp là nơi ẩn nấp của ma quỷ. Địa bàn cư trú của người Cor là núi cao. Người Hrê chia thành các nhóm và có những nét riêng trong phong tục tập quán lẫn tiếng nói giữa các nhóm...
Kết quả tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa được trình bày trong cuốn sách vốn được xem là tinh hoa văn hóa của cộng đồng cư dân ở Quảng Ngãi từ thời xa xưa đến ngày nay.
Bài, ảnh: DUY HÙNG