Di sản văn hóa Chămpa: Khắc khoải từ trong lòng đất

09:12, 17/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lần theo nhiều tầng nấc từ trong lòng đất, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật của nền văn hóa Chămpa trên đất Quảng Ngãi. Đó là vật hiếm, gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa những điều kỳ bí của người thiên cổ với yêu cầu đặt ra trong hiện thực.

TIN LIÊN QUAN

Theo PGS.TS Ngô Văn Doanh- Nhà khảo cổ học, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: Không chỉ các hiện vật khảo cổ mà những tư liệu lịch sử cũng cho biết vị thế quan trọng của vùng đất Quảng Ngãi xưa đối với lịch sử Chămpa. Quảng Ngãi cùng với Quảng Nam xưa hợp thành vùng đất Amaravati của Chămpa. Vùng đất này trong suốt nhiều thế kỷ là trái tim của vương quốc cổ Chămpa. Trong vùng hay châu Amaravati có hai khu vực là Chiêm Động hay Đại Chiêm (nay là Quảng Nam) và Cổ Lũy hay Chiêm Lũy (nay là Quảng Ngãi).
 

Tượng tu sĩ hiếm có ở Đông Nam Á


 Tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện đang trưng bày tượng tu sĩ hóa thân của thần Siva, được tìm thấy ở Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam (ảnh). Các nhà nghiên cứu nhận định đây là hiện vật hiếm có ở Đông Nam Á, thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật của người Chăm. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã làm hồ sơ  trình cấp trên để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đây là bảo vật quốc gia.

Từ những mảnh ghép của lịch sử...

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Nhà khảo cổ học, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết, ở Quảng Ngãi, văn hóa Chămpa tồn tại từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ XV. Đến thế kỷ thứ XV, khi vua Lê Thánh Tông chinh phục vùng đất Cổ Lũy: Phủ Tư Nghĩa thuộc thừa tuyên Quảng Nam, đó cũng là lúc văn hóa Chămpa ở Quảng Ngãi chấm dứt.

Trải qua nhiều thế kỷ cùng với những biến động của lịch sử, di sản văn hóa Chămpa bị phân tán, hủy hoại; nhiều di tích, hiện vật ẩn sâu dưới lòng đất. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi bảo rằng, bước khởi đầu để đi đến những cuộc khai quật khảo cổ rất khó để biết trước và lý giải, có thể tạm gọi đó là cơ duyên.

Cuối những năm 80, các chuyên gia đã tiến hành cuộc khảo cổ để giải phóng mặt bằng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ) và đã phát hiện một di tích đền tháp Chămpa. Các nhà khảo cổ học đã hết sức vui mừng khi biết được đây là di tích tháp Chánh Lộ, được H.Parmentier khai quật và phát hiện vào năm 1924. Nhà nghiên cứu người Pháp này đã vẽ bình đồ của tháp Chánh Lộ nằm theo trục Tây-Đông và một quần thể tháp rất lớn.

Từ đặc sắc của di vật và kiến trúc tháp Chánh Lộ, các nhà khảo cổ học người Pháp đã phân loại, định hình nên một phong cách riêng gọi là phong cách Chánh Lộ, một phong cách cực đẹp với sự mềm mại và những nét rất thực tồn tại vào thế kỷ XI. Tiếc là di tích tháp Chánh Lộ nay trở thành phế tích, nhiều di vật bị phân tán, hủy hoại. Một số hiện vật của tháp Chánh Lộ hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.

Tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi cũng đang trưng bày một số di vật thời Chánh Lộ, trong đó có hai con Gajasimha đầu voi mình sư tử, linh vật canh cổng thánh đường Chánh Lộ. Theo quan niệm của người Chămpa, Gajasimha là vật cưỡi của thần Siva, một trong ba vị thần có quyền năng tối thượng, là hiện thân cho đấng sáng tạo và đấng hủy diệt.

Tại khu vực Cổ Lũy, thôn Phú Thọ (xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi), tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cùng với cộng sự đã khai quật, tìm thấy các loại vật kiến trúc, trong đó có ngói mặt hề; hạt trang sức thủy tinh... Qua nghiên cứu đã xác định địa điểm này tồn tại từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VII, chứng tỏ Cổ Lũy có sự giao thương rất mạnh với bên ngoài.

Trong số nhiều cuộc khảo cổ về văn hóa Chămpa trên đất Quảng Ngãi, đối với các nhà khảo cổ học đến thời điểm này có lẽ vui nhất là khi tiến hành cuộc khảo cổ ở thành cổ Châu Sa thuộc địa phận các xã Tịnh Châu, Tịnh An, Tịnh Khê, Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi), đây là tòa thành có kiến trúc nổi bật trong hệ thống thành Chăm ở miền Trung, hiện còn tương đối nguyên vẹn. Niên đại của thành Châu Sa khoảng thế kỷ thứ VIII trở đi.

...đến nỗi khắc khoải chưa nguôi  

 

 Tượng con Gajasimha đầu voi mình sư tử, linh vật canh cổng thánh đường Chánh Lộ, hiện đang trưng bày ở Bảo tàng tổng hợp tỉnh.
Tượng con Gajasimha đầu voi mình sư tử, linh vật canh cổng thánh đường Chánh Lộ, hiện đang trưng bày ở Bảo tàng tổng hợp tỉnh.


Ở Quảng Ngãi, ước tính tổng số phế tích văn hóa Chămpa được phát hiện đến thời điểm này là 60 điểm, phân bố từ Bình Sơn đến Đức Phổ, dọc theo chân Trường Sơn, ra đến Lý Sơn. Dẫu không còn giữ được nhiều di sản văn hóa Chămpa như ở hai tỉnh lân cận Bình Định, Quảng Nam, song những gì đã khai quật, phát hiện ở Quảng Ngãi cũng đủ để khẳng định rằng văn hóa Chămpa một thời vàng son trên mảnh đất này. Đó là những di tích, di vật thuộc vào hàng quý hiếm, là tài sản mà thế hệ ngày nay được thừa hưởng.

 Từ sâu trong lòng đất, trải qua hàng thế kỷ, các di vật, di tích văn hóa thời Chămpa mới được khai quật, phát hiện. Vậy mà nét văn hóa đặc trưng một thời nay đã và đang dần bị vùi lấp trở lại vào trong lòng đất, tại chính nơi nó được phát hiện. “Vết tích khảo cổ ở Châu Sa, Cổ Lũy còn bảo tồn nguyên vẹn. Do không có kinh phí, nên buộc phải lấp cát lại, nếu được khai quật diện lớn sẽ lộ ra nhiều giá trị văn hóa vô cùng quý giá”, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi trăn trở.

Từ sau ngày tái lập tỉnh, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đã bắt tay nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa ở Quảng Ngãi. Bản đồ khảo cổ học của văn hóa Sa Huỳnh nay đã rõ, còn văn hóa Chămpa thì còn đó sự phân tán, ngổn ngang vì thiếu sự quan tâm đầu tư của tỉnh. Một thực trạng khiến những người đã cất công khai quật tìm kiếm từ trong lòng đất những giá trị văn hóa Chămpa hiếm có và đối với cả những người làm công tác quản lý văn hóa đang hết sức lo lắng, đó là di tích văn hóa Chămpa đã và đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng, có nguy cơ bị mất đi vĩnh viễn, nếu không kịp thời có đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản.   

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ


 


.