(Báo Quảng Ngãi)- Cũng như những tác phẩm đã xuất bản, ngôn từ trong Tập thơ “Lời ru tím” do Nhà xuất bản Văn học in phát hành năm 2015 của nhà giáo, nhà thơ Bùi Văn Tạo dường như không được mềm mại, mượt mà cho lắm. Dẫu vậy, mỗi từ, mỗi lời thơ trong tác phẩm được ông trau chuốt tỉ mỉ, hàm chứa sự sâu sắc, tinh tế về những miền quê, về chuyện đời, chuyện nghề qua lăng kính của một giáo viên toán, nhưng se duyên với thơ ca bằng 61 bài thơ và 4 góc ảnh...
Mở đầu tập thơ, tác giả đã khắc họa một màu tím của sự dịu dàng, sự mong chờ, với bài thơ Ngõ tím: Ngõ tình sao vẫn chiều đông vắng?/ Đâu dáng người thương của tôi ơi!/ Hoa còn nở giữa trời ươm nắng/ Tím của ngày xưa của một thời... Trong phần thơ “Ngõ tím” ấy có cả bốn mùa: Xuân- hạ- thu- đông, ánh trăng rừng, con suối, sắc màu quê hương Đức Phổ...“Sông Thoa năm tháng nhiều hoa dại/ Sắc tím tình quê thắm đôi bờ”- Có một miền quê. Tình yêu lứa đôi trong thơ của Bùi Văn Tạo cũng nồng nàn, cháy bỏng và vô cùng mãnh liệt “...Sông vạn dặm đường xa còn nhớ núi/yêu em rồi dù nước lũ hoa trôi...”- Trăng rừng khuya; hay “...Anh hôn nhẹ vì sợ tình yêu mất/ Để tim mình hòa nhịp chảy tim em...”- Hương rừng trưa...
Đến với phần thơ Lời ru, tác giả mang đến cho người đọc sự cảm nhận không chỉ đơn thuần là lời ru của mẹ đối với con thơ, mà ở đó còn có cả lời ru của quê hương, đất nước: “...Từ thuở hồng hoang Cha Rồng dẫn con xuống biển/ Mẹ Tiên Nương dắt trẻ núi đường xa/ Là từ ấy nước ta có biển/ Có non cao hướng mặt bình minh...”- Biển nóng; “...Em là hạt giống đời yêu nhớ/ Ươm giữa biển trời Tổ quốc ta!”- Em thơ trên đảo Trường Sa. Trong cuộc đời này, phận làm bố mẹ ai cũng dành cho con một tình thương vô bờ bến. Tác giả cũng vậy, ngày tiễn con đi du học, dù lòng “đang khóc” nhưng ông vẫn nở nụ cười hạnh phúc với bài thơ: Gửi con mùa xuân mới “...Quê mình hạt giống lên chồi biếc/ Vườn hoa khoe nụ sau cơn mưa...”.
Hòa mình trong dòng chảy của thời gian, mỗi bước chân đi qua đều để lại cho tác giả nhiều cảm xúc dạt dào. Đến với Tây Bắc xa xôi, tác giả cảm nhận: “Hòa Bình văn hóa nét ngàn năm/ Hát đối, hát ru, đẹp trăng rằm...”- Hòa Bình, nỗi nhớ trong tôi; lên với Tây Nguyên hùng vĩ “...Đường Kom- plong rừng nguyên dấu tích/ Về Măng - đen hơi lạnh giữa non ngàn...”- Phố núi, nhớ em nhiều; về miền quê sông nước Cửu Long “Bài ca Dạ cổ hoài lang nhớ/ Trăm năm tha thiết chuyện Cao Lầu”- Bạc Liêu gợi nhớ và trở lại với miền Trung thương nhớ: “Lầu Ông Hoàng rêu phong sương mờ tỏ/ Tình trăm năm duyên nợ biết đâu bờ...”- Tình em mùa biển gọi... Đó không chỉ là cảm xúc tức thời, mà là sự chiêm nghiệm, thể hiện sự từng trải, đúc kết chuyện đời, chuyện nghề trong hành trình 40 năm làm nghề dạy học mà ai đó đã và đang làm nghề “Đời thuyền” cũng sẽ thấu hiểu: “Bốn mươi năm nhà giáo đời tôi/ Kỷ niệm đong đầy quá đỗi thôi...”- Gửi lại.
Khép lại tập thơ “Lời ru tím” cũng là khép lại một đời người làm nghề đưa đò, nhà giáo, nhà thơ Bùi Văn Tạo về vui thú điền viên với con cháu, nhưng vẫn giữ cho mình một phẩm chất cao đẹp của người thầy giáo. Ông đã soi mình vào đá để cho bản thân được vững chãi hơn trong phần cuộc đời còn lại: “Thời gian gọt đá hình hài bao dáng vẻ/ Nung từ lòng sâu màu sắc đa đoan/ Đá buồn tủi mưa dầm nắng dãi/ Chuyện bể dâu nhân thế biết đâu chiều...”- Soi vào đá.
Bài, ảnh: Phú Đức