Kể thơ về một nữ anh hùng

06:11, 30/11/2016
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Người miền Nam hồi trước vẫn quen nghe kể vè. Mà tác phẩm nổi tiếng nhất trong những đêm kể vè dân dã ấy là kể vè Lục Vân Tiên. Mỗi đêm người ta kể một đoạn, phải nhiều đêm mới kể xong truyện Lục Vân Tiên. Người nghe có thể ngồi nghe, hoặc vừa làm những việc nhẹ khi ngồi một chỗ, vừa làm vừa nghe.

Đó là một sinh hoạt văn học dân gian vô cùng thú vị, nó bắt nguồn từ bài ca hay chuyện kể của những người hát rong. Nói tới người hát rong, ta lại nhớ ngay thi hào Homer thời cổ Hy Lạp được tôn vinh là “Người hát rong vĩ đại” với hai bản trường ca bất hủ: Iliad và Odyssey.

Thế kỷ XIX ở đất nước Ukraina lại xuất hiện một người hát rong vĩ đại khác là thi hào Taras Shevchenko. Là con một gia đình nông nô, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Shevchenko đã phải lao động vất vả chăn dắt gia súc ngoài đồng cỏ.

Được chủ nô cho đi học mỹ thuật do phát hiện được tài năng, Shevchenko lại chứng tỏ được tài năng thơ ca của mình bằng sáng tác đầu tay, trường ca “Người hát rong” (Kobzar). Taras Shevchenko là niềm tự hào của đất nước Ukraina. Năm 1985, khi có dịp tới thăm Kiev, tôi đã thăm bảo tàng Taras Shevchenko ngay tại thủ đô xinh đẹp này.

 

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh Báo NLĐO
Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh Báo NLĐO

Phải dài dòng như vậy, để thấy vị trí văn học và vai trò của những sáng tác thi ca theo dòng “hát rong”, mà ở Việt Nam đã có không ít những tác phẩm loại này. Điển hình nhất là truyện thơ “Lục Vân Tiên” của “Người hát rong vĩ đại” Nguyễn Đình Chiểu, một tác phẩm được lưu truyền tại xứ sở Nam Bộ chủ yếu qua con đường “kể vè”.
 
Nếu với Homer, thể thơ chủ yếu của hai trường ca Iliad và Odyssey là thể thơ 6 chữ, thì với Nguyễn Đình Chiểu, thể thơ của “Lục Vân Tiên” là thể thơ lục bát, rất dễ dàng cho những lưu dân Nam Bộ khi hát vè, kể vè cho đông đảo người nghe.      

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ muốn noi theo con đường của những “người hát rong” ấy, nhất là theo con đường của nhà thơ mù Đồ Chiểu, bằng tác phẩm theo thể thơ lục bát truyền thống, truyện thơ “Áo trắng màu không phai”. Tác phẩm viết về nữ anh hùng-liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã hy sinh khi chăm sóc bảo vệ thương binh ở chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi).

Tôi đã đọc và cảm phục tác giả Nguyễn Thế Kỷ vì anh đã tìm hiểu rất cặn kẽ những hoạt động phi thường của bác sĩ Đặng Thùy Trâm qua rất nhiều cảnh ngộ, nhiều vùng đất chiến trường chị đã đặt chân qua, nhiều đồng đội, nhiều tâm trạng đôi khi rất riêng tư của người nữ bác sĩ giàu tình cảm ấy. Đã có “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, nhưng tôi vẫn đọc được trong tác phẩm thơ của Nguyễn Thế Kỷ những xúc cảm mới mẻ, có được khi thể hiện cuộc đời Đặng Thùy Trâm, mà trong tác phẩm gọi một cách thân mật là “chị Thùy”.


35 năm sau ngày chị Trâm hy sinh, cuốn nhật ký thấm máu của chị, được những cựu binh Mỹ đưa về Mỹ, đã trở lại quê hương Việt Nam và được xuất bản. Chị Đặng Thùy Trâm đã được truy phong là “anh hùng của Việt Nam”. Giữa Đặng Thùy Trâm và John Baca có một điểm giống nhau, là biết hy sinh vì người khác, hy sinh bảo vệ đồng đội. Điều đó còn lớn hơn cả việc tiêu diệt đối phương. Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đã thể hiện được tấm lòng nhân ái của chị Trâm qua những câu thơ vừa mộc mạc vừa sâu sắc:

“Phần lo dẫn dắt thương binh
Phần lo theo rõi địch tình đến đâu
Rất nhiều những vết thương sâu
Người sút băng đầu, kẻ máu ứa chân
Dốc lên, suối xuống bao lần
Thương binh điều trị mà nằm chẳng yên
Bây giờ Máng Nước giặc lên
Lại lo bệnh xá sát bên nách thù
Đứng trông bốn hướng, tai ù
Ba bề súng nổ, mịt mù khói bay
Thương binh ẩn giấu kịp ngay
Nghĩ sao giây phút Thùy quay trở về
Ngồi trong phòng mổ lắng nghe
Đợi chờ quân địch chẳng hề núng nao
Để xem mặt Mỹ thế nào
Mà giết đồng bào, quá sức dã tâm?”



Người nữ anh hùng đã thể hiện được phẩm chất anh hùng ngay trong những việc làm bình thường nhất, những việc làm và hành động ẩn giấu sự hy sinh và tinh thần quả cảm thầm lặng. Những câu thơ của Nguyễn Thế Kỷ nhiều khi đạt tới chất thơ cao:

“Mẹ ra bờ suối sau hè
Tiếng kêu quốc quốc lắng nghe nửa chiều
Cút côi là cảnh đìu hiu
Lặng im là những tiếng kêu không lời”


Với hàng nghìn câu thơ lục bát vân vi như vậy, nhà thơ đưa chúng ta qua nhiều chặng đường trong cuộc chiến đấu vì sinh mệnh đồng đội và nhân dân của Đặng Thùy Trâm. Nếu tác phẩm này được kể lên theo hình thức “kể vè”, chắc chắn sẽ được đồng bào Đức Phổ và Quảng Ngãi đón nhận một cách đầy xúc cảm. Một cảnh nhỏ trên bước đường công tác của chị Trâm đã được “kể” như vầy, tôi cho là rất hiện thực:

“Ráo chân nước dột ướt đầu
Chủ nhường khách đứng ngồi đâu cho vừa
Trời mưa, trời chẳng ngớt mưa
Mây mù nào biết tới trưa hay chiều
Khách vào thêm gạo ít nhiều
Lấy rơm nhúm củi liu riu bếp hồng”


Lại thêm đoạn thơ này nữa, rất dân dã, rất thôn quê mà cũng thật hồn hậu:

“Vậy mà nắng cứ chang chang
Vẫn người tấp nập mùa đang vào mùa
Chanh chua chanh cứ mãi chua
Quanh bờ ruộng vẫn con cua hai càng”


Chợt nhớ hình ảnh Lục Vân Tiên ra trận đánh giặc Ô-Qua:

“Vân Tiên đầu đội kim khôi
 Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô”


Trong truyện thơ “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, tôi liên tưởng tới hình ảnh chị Đặng Thùy Trâm trong “Áo trắng màu không phai” của Nguyễn Thế Kỷ, lại thấy hình ảnh dung dị mà đầy xúc cảm của chị Trâm:

 “Thương binh hầm đủ an toàn
Duy tà áo trắng bay choàng đạn bom”


Thì ra, người Việt Nam mình, thời nào cũng có những anh hùng, và cũng có những truyện thơ “kể” về những người anh hùng ấy.

Vâng, kể bằng thơ lục bát thuần Việt.
 

                                                   Quảng Ngãi, cuối mùa mưa 2016
                                                         
 


.