*Thanh Thảo
(Baoquangngai.vn)- Năm 2012, anh Nguyễn Khoa Điềm mời vợ chồng tôi ra Huế dự Festival (mà một số anh em ở Huế gọi là “Fẹc-ti-vồ”). Tôi vui, nhưng không vui quá, vì nếu chỉ đi dự Festival Huế thì tôi đã đi khá nhiều lần rồi, xoay qua trở lại cũng bấy nhiêu chuyện. Hóa ra, khi tới Huế, anh Điềm đưa chúng tôi về Phong Điền, rồi đi tới làng Ưu Điềm-nơi anh sinh ra.
Nhà Thơ Nguyễn Khoa Điềm |
Chính trong hoàn cảnh ấy, anh Điềm được sinh ra: “Và Ưu Điềm nơi mẹ đẻ tôi ra/Chao thương nhớ là tiếng bìm bịp nước/Ngày ba bữa nghẹn khoai và rau luộc/ Hai mươi năm vẫn thắc thỏm một ngày về/” Đoạn thơ này nằm trong bài thơ Nguyễn Khoa Điềm viết từ chiến khu Trị Thiên ngày kháng chiến chống Mỹ, nhưng phải về tận nơi anh sinh ra mới thấm tính hiện thực của những câu thơ ấy. Khoai lang trồng trên đất cát, khoai luộc và rau lang cũng luộc, nếu bây giờ được các bậc quan chức và giới nhà giàu coi là hai món đặc sản, thì hồi xưa, khi anh Điềm còn nhỏ, ăn mãi phát… nghẹn luôn. Nhưng không có, không còn thứ thực phẩm gì khác ở ngay vùng đất cát này. Đành ăn vậy.
Khi trên đường về Huế, nghe anh bạn cùng đi là một nhà “Huế học” kể về một làng rèn truyền thống nổi tiếng ở Phong Điền, anh Điềm đã nhờ nhà Huế học đặt mua giùm anh một… con rựa. Hỏi mua rựa làm gì, khi đã về hưu, anh Điềm nói là mua để làm vườn. Khi tôi kể lại chuyện này cho nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nghe, anh Kha đã lập tức làm một bài thơ tặng anh Điềm, trong bài thơ đó “con rạ” (con rựa) đột ngột trở thành nhân vật chính, còn nhà thơ vác con rựa làm vườn thì mang khí thế một… chiến binh.
Thực ra thì chuyện đời đơn giản, anh Điềm chỉ mong có con rựa bén để tỉa cây làm vườn, vậy thôi. Mà quả thật, sau đó mấy năm, tôi thấy vườn nhà anh Điềm khởi sắc hẳn với nhiều loại cây ăn quả xum xuê, với những cây hoa khiến cuộc sống nở hoa chứ không bế tắc (nói theo slogan của một chương trình hài trên VTV3).
Nhưng tôi nhận thấy, từ ngày về hưu anh Điềm cười nhiều hơn, có những lúc mấy anh em ngồi với nhau nói chuyện tào lao, anh Điềm cười hết cỡ luôn. Đó là điều hơi khác với khi anh còn đương chức. Nhớ có lần, tôi với chị Trà Giang (diễn viên điện ảnh) cùng anh Nguyễn Khoa Điềm đi thăm khu kinh tế Dung Quất, chị Trà Giang đã nói lén với tôi khi không có mặt anh Điềm: “Mình thấy hình như ông Điềm chả bao giờ cười”. Tôi cũng nói nhỏ với chị Trà Giang: “Ông này chưa cười chứ không phải “tắt tiếng cười” đâu!” Tôi nói không sai, vì chỉ sau đó ít phút, khi tôi nói bậy bạ chuyện gì đó, chị Trà Giang đã thấy anh Điềm cười rất thoải mái.
Ai làm quan sung sướng thế nào tôi không biết, nhưng tôi có cảm giác anh Điềm làm quan với một tâm thế hơi bị… khổ. Khổ hạnh, đã đành, đó là bản tính của anh. Nhưng khổ vì làm quan kia, cái này mới khó giải thích. Chẳng thế, mà khi còn đương chức ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban văn hóa tư tưởng, có lần vào thăm Quảng Ngãi, anh Điềm đã hé lộ cho chúng tôi thấy anh buồn thế nào.
Không phải anh tâm sự, hay “chém gió”, mà anh làm thơ. Chỉ có thơ mới bộc lộ tâm trạng thật nhất và chuẩn nhất của con người thi sĩ. Mà anh Nguyễn Khoa Điềm là thi sĩ thứ thiệt, chứ không phải người làm thơ để cầu danh hay chuốc lợi. Bài thơ anh Điềm làm sau khi rời Quảng Ngãi là bài thơ viết về anh hùng-liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, một người bạn học với anh ở trường Chu Văn An.
“Ngồi lại nghe chị nói gì trong đất
Cùng cây giang, cây dẻ của ngày xưa
Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt
Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ”
Ngày về).
Đó là nỗi buồn và cảm giác bơ vơ không thể che giấu. Nó không phải là bài thơ của một nhà thơ quan chức lạc quan. Nhưng thơ buồn như thế mới hay, dù không ai muốn buồn để làm thơ.
Ngày mới về hưu, anh Điềm có bài thơ như reo lên, khi không còn phải thấy những micro và điện thoại hàng ngày giật giọng làm giật mình nữa, khi được thoải mái lên internet “lướt ván” những gì mình cần đọc và thích đọc. Đấy, làm quan cũng chẳng sướng gì, khi những điều anh mơ mãi mới có thì chúng ta có hàng ngày, có như một hiển nhiên.
Ngày mới nghỉ hưu, anh Điềm lập tức rời Hà Nội về Huế “định cư”. Mỗi buổi sáng, anh thong dong đạp xe quanh Huế, như thuở học trò ở Hà Nội đạp xe tới trường Chu Văn An. Nghe nói hồi ấy, anh Điềm bị ám ảnh bởi một mái tóc đen dài đạp xe loáng trước anh mỗi sáng. Đạp xe chầm chậm qua những nơi mà ngày trước mình chỉ “lướt” bằng ô tô, và quả thật, đạp xe là cái thú chơi tốc độ chậm hoàn toàn cá nhân, hoàn toàn riêng tư.
Người về hưu, nếu không có việc gì làm, thường buồn. Nhưng tôi có cảm giác anh Điềm làm việc suốt ngày, không ngồi máy vi tính thì ra ngoài vườn chăm sóc cây trồng. Sự thanh thản đến từ công việc, và ai lao động cả ngày sẽ không có thời gian buồn bã hay chán nản nữa.
Đó là nhà thơ hướng tới sự minh triết thầm lặng, sự minh triết không lời. Những bài thơ thuộc “giai đoạn thứ tư” của Nguyễn Khoa Điềm đều hướng về “cõi lặng”. Vâng, cõi lặng chính là sự minh triết, chứ không phải những tranh biện ồn ào, những háo danh vội vã. Có buổi sáng, tôi với anh Điềm ngồi lặng trên quán cà phê sách Phương Nam nhìn dòng sông Hương ở đoạn lặng lờ nhất của nó. Anh Điềm tự nhiên nói: “Đây là đoạn sâu nhất của sông Hương đấy ông ạ!”. Và tôi hiểu: nơi lặng nhất có khi là nơi sâu nhất.
Mỗi năm tôi có việc nhà phải ra Huế tới mấy lần. Có lần, buổi sáng tôi rủ anh Điềm đi ăn cơm hến ở một quán nhỏ khá lụp xụp đối diện tạp chí Sông Hương. Quán cơm hến này được cháu tôi giới thiệu là một trong mấy quán cơm hến ngon nhất ở Huế. Tôi vốn mê ẩm thực, nên nhất định không thể bỏ qua. Cơm hến quán này ngon tuyệt, nhưng tôi chỉ ăn một bát. Trong khi anh Điềm ăn liền hai bát. Anh bảo, sao mình không biết quán cơm hến này hè? Tôi cười: ông phải rời quan trường thì mới biết được những quán ngon như thế này. Nhưng ông nhìn xem: Ngoài cửa quán là những tấm bảng viết tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Pháp. Thì ra, quán cơm hến xập xệ này đã rất quen thuộc, đã vào “Guidebook” của khách du lịch quốc tế. Mình dân nội địa, mà bây giờ mới biết, là chậm.
Nhưng có lẽ, chúng tôi cũng cứ chầm chậm thế. Nhớ câu chuyện anh sĩ quan công an Hà Nội nói với người bây giờ là lãnh đạo vào hàng cao nhất Việt Nam: “Nhanh cũng không nhanh được!” Đã thế, thì cứ “chầm chậm cũng tới mình” (ý thơ của thi sĩ Trúc Thông), phải không ạ?
Làm quan đã không vội vã thì làm thơ càng không thể vội vã. Sống như anh Nguyễn Khoa Điềm bây giờ là sống chậm, mà muốn “Nhanh cũng không nhanh được”!