Thăm dò khảo cổ lăng mộ vua Quang Trung: Phát hiện nền móng tường thành xưa?

02:10, 11/10/2016
.

Dấu vết các lớp đá xếp ngay ngắn thành 2 hàng trùng với hình hố khảo cổ chữ L nghi là móng của tường thành xưa.
 
Vào chiều muộn ngày 10/10, ở hố khảo cổ cuối cùng, đoàn khảo cổ đã tìm ra một dấu vết rất quan trọng nghi là nền móng tường thành xưa.
 
Theo đó, ở hố thứ 5 (số nhà 13/120 Điện Biên Phủ) vừa được đào, khi đến độ sâu chừng 0,2 mét đã chạm phải một lớp đá. Sau khi đào hết theo đường chữ L mà đoàn đã cắm mốc, một dấu vết gồm có nhiều tảng đá sắp ngay ngắn theo hàng trùng với đường chữ L này.
 
Qua quan sát của phóng viên, lớp đá này gồm khoảng 5 tảng đá khá lớn đặt theo 2 hàng ngày ngắn vuông góc với nhau, đoạn giữa có khuyết một đoạn không có đá. Riêng đoạn cuối lớp đá ở hàng song song với bờ tường là một lớp vôi tiếp nối, cùng với lớp đất lạ nghi giống như cát vàng và sỏi. Lớp đất này khá giống lớp đất ở hố thứ 3 ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh tìm được ngày hôm qua nghi liên quan công trình kiến trúc.
 
Theo một chuyên gia về khảo cổ học cho biết, lớp đá này nghi là tường móng của bức thành cổ. Dấu hiệu này khá quan trọng và cũng có phần rất may mắn khi một chuyên gia trong buổi sáng cùng ngày đã xác định hố cuối cùng này phải đào khác các hố khác với hình chữ L và có diện tích lớn hơn (5m2). Không ngờ chính hình chữ L này đã tương ứng với đường chạy của lớp các tảng đá xếp khá ngay ngắn, giống như vết tích một tường thành cổ.

 

Rất có thể đây là dấu vết các lớp đá móng tường thành xưa ở hố khảo cổ này.
Rất có thể đây là dấu vết các lớp đá móng tường thành xưa ở hố khảo cổ này.
 
Dự kiến hôm nay (11/10), đoàn sẽ mở rộng hố này thêm một phần để xem thêm các lớp đá này có chạy nối tiếp nữa hay không.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có mặt tại hiện trường khảo cổ vui mừng tâm sự với chúng tôi, rằng ngôi nhà số mới 13/120 Điện Biên Phủ này nguyên là một trong những ngôi nhà đầu tiên ở vùng gò Dương Xuân này. Chủ nhân thời đó là bà Lê Thị Rô đã từng khẳng định với ông bờ tường sát hố khảo cổ thứ 5 là “bà đã thấy nguyên bộ móng bức tường cổ xây dựng giống như vôi vữa các mộ Tàu ngày xưa dưới bức tường này”.
 
“Sự kiện này gợi nhớ đến thông tin giáo sĩ La Bartette đã viết, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất về lại Phú Xuân ông “đã cho xây cất một bức tường cao 20 pied chung quanh Dinh ông”. Việc đi tìm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung đối với tôi rất tâm linh, và việc đào thấy dấu hiệu tường thành cổ làm tôi rất phấn chấn dù đang bị đau bệnh mắt nặng phải nhập viện vào ngày mai 11/10”, ông Xuân chia sẻ.
 
Vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò tại gò Dương Xuân (Trường An, TP Huế) với diện tích 22 m², từ ngày 30/9 đến 15/10.
 
Trước đó, sau nhiều năm nghiên cứu, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, Gò Dương Xuân xưa kia là nơi nghi có dấu tích tồn tại cung điện Đan Dương của triều Tây Sơn và đây cũng chính là nơi chôn cất vua Quang Trung.
 
Theo đó, trong thời gian thăm dò, các cơ quan cấp phép phải chú trọng đến việc bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương. Những hiện vật thu thập được, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế bảo quản, báo cáo Bộ trưởng Văn hóa phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
 
Gần 1 năm trước vào ngày 30/10/2015, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo khoa học cung điện Đan Dương triều Tây Sơn tại Huế. Tại đây, nhà nhiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người 30 năm đi tìm kiếm tư liệu, thực địa, cho rằng cung điện Đan Dương được xây dựng gần chùa Vạn Phước, Thiền Lâm, ngay gò Dương Xuân. Dưới cung điện là nơi chôn cất vua Quang Trung.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân còn cho biết, sử sách cũng đã ghi cung điện Đan Dương do vua Quang Trung xây dựng. Khi Ngô Thì Nhậm làm bài thơ “Cảm hoài” để tưởng nhớ vua Quang Trung, đã chỉ đích danh điện Đan Dương.
 
Nguồn: Theo Phapluatplus

.