(Baoquangngai.vn)- Việc thiếu không gian bảo tồn các nhạc cụ dân tộc đã vô tình “đẩy” nền văn hóa độc đáo, lâu đời của đồng bào Hrê đến nguy cơ bị phân tán, mai một.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhà truyền thống chưa phát huy hết chức năng
Hiện tại, bên cạnh Bảo tàng Ba Tơ, thì huyện Ba Tơ chỉ còn duy nhất nhà truyền thống ngay Trung tâm huyện lỵ. Ban đầu, Nhà truyền thống này được xây dựng để bảo tồn, lưu giữ các nhạc cụ, phong tục tập quán của đồng bào Hre. Thế nhưng, khi so sánh với các địa phương khác trong tỉnh, Nhà truyền thống ấy hiện nay bỗng “lép vế”.
Không gian đìu hiu, "cửa đóng, then cài" của Nhà truyền thống huyện Ba Tơ hiện nay. |
Theo ghi nhận, nó chẳng khác gì nhà kho chứa đồ của ngành văn hóa huyện và chỉ sử dụng khi cần đến các vật dụng cho công tác tuyên truyền, quảng cáo ở huyện, còn suốt ngày trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Các nghệ nhân quá bước đến đây chủ yếu là đến tập luyện để biểu diễn trong các dịp lễ. Những ngày vui như thế chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Ông Nguyễn Quang Tấn- Phó Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Tơ cho biết, toàn bộ những thành tích của ngành văn hóa, hiện vật, tư liệu quý ghi chép của người Hrê đều được ngành chuyển sang Bảo tàng để trưng bày vì không gian ở Nhà truyền thống quá chật hẹp, không đảm bảo trong việc lưu giữ và không tạo được không gian lý tưởng để người dân đến sinh hoạt, tham quan”.
Cần xây dựng Nhà văn hóa dân tộc quy mô lớn
Được biết, từ nhiều năm nay, địa phương này đã làm tốt công tác bảo tồn văn hóa đồng bào Hrê, gieo niềm đam mê vào lớp trẻ theo hình thức “tre già măng mọc”. Phòng đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập đội cồng chiêng, tổ chức tập luyện và biểu diễn cồng chiêng, các làn điệu dân ca nhằm khơi dậy niềm đam mê các loại nhạc cụ truyền thống trong đồng bào, truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu.
Nhờ vậy, Ba Tơ đã bảo tồn được số lượng cồng chiêng khá lớn, lên đến hơn 1.000 bộ. Phần lớn các xã ở trong huyện đều có xây dựng đội cồng chiêng, mạnh nhất phải kể đến Ba Nam, Ba Thành, Ba Chùa, Ba Dinh, Ba Giang và Ba Lế… Hiện nay, phòng đang xây dựng Đề án bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể trình UBND huyện thông qua.
Văn hóa đa dạng và phong phú nhưng lại thiếu không gian để bảo tồn. Hiện nay ngành cũng đang cần có một không gian rộng lớn hơn Nhà truyền thống để tập trung hiện vật, ảnh, tư liệu quí để trưng bày, giới thiệu lịch sử, giới thiệu những nét tinh hóa của dân tộc Hre. Đồng thời, tạo điều kiện để đông đảo để quần chúng, du khách đến tham quan.
Huyện Ba Tơ đã có đề xuất xây dựng Nhà văn hóa dân tộc với kinh phí gần 20 tỷ đồng. |
Trước thực trạng Nhà truyền thống chưa phát huy được tác dụng trong khi nhu cầu ở địa phương lớn, ông Trần Trung Triết- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ thông tin: "Huyện đã đề xuất cấp trên phê duyệt và cho xây dựng Nhà văn hóa dân tộc với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng, góp phần phục vụ tốt nhu cầu địa phương, nâng cao chất lượng phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng của người Hrê. Dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong năm 2017. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất vẫn là nguồn kinh phí hạn hẹp và không đủ cân đối”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Chư- Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, việc xây dựng không gian bảo tồn văn hóa như Nhà văn hóa dân tộc của người Hrê là rất cần thiết, hết sức cấp bách.
Nhà văn hóa dân tộc đang dần trở thành địa điểm quan trọng bởi nó như một bức tranh tổng thể về sự hình thành, phát triển cũng như nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Hrê. Đến với Nhà văn hóa dân tộc, thế hệ đi sau được trở về với nguồn cội tổ tiên; tự hào và trân quý công lao “vô giá” mà lớp người đi trước gầy dựng. Đó là động lực để mỗi người con Hrê hôm nay cống hiến hết khả năng, trí lực của mình cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ba Tơ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tuy nhiên, cũng theo ông Cao Văn Chư, việc xây dựng một Nhà văn hóa dân tộc cần mang tính chất phục vụ chuyên sâu cho văn hóa của dân tộc Hrê, không nên đa chức năng như một Trung tâm văn hóa ở địa phương.
Bài, ảnh: Thiên Hậu