Bảo tồn nhạc cụ dân tộc của người Ca Dong

09:09, 05/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Văn hóa phi vật thể, trong đó bao gồm nhạc cụ truyền thống luôn là tài sản quý giá, bởi chúng góp phần hình thành nên nền ca nhạc dân gian đa dạng và độc đáo của mỗi dân tộc. Đối với đồng bào Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây, nhạc cụ dân tộc từ xa xưa đã được ông cha chế tác ra để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện nay vì ít được sử dụng rộng rãi trong đời sống cộng đồng, nên chúng dần bị mai một, do đó, công tác bảo tồn là việc làm cần thiết hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Những người giữ hồn dân tộc

Tại trung tâm xã Sơn Tân, căn nhà sàn đơn sơ của già Đinh Văn Đơn, ở thôn Tà Cay nằm ở lưng chừng ngọn đồi, được dẫn lối bởi con đường nhỏ quanh co nơi triền dốc. Già Đơn là một trong rất ít người biết chơi, lưu giữ chiêng và biết làm đàn brooc. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống của người Ca Dong, gương mặt già Đơn ánh lên niềm vui.

Bên bếp lửa, dưới bàn tay của già Đơn, từng điệu nhạc thoát ra từ chiếc đàn brooc-jiêng hòa vào không gian tĩnh mịch của núi rừng, làm say lòng những vị khách lạ. Kết thúc bài hát, già Đơn không quên giới thiệu bản nhạc có tên là “Vùng Sơn Tây”. “Thông qua nhạc điệu của bản nhạc giới thiệu đến mọi người một vùng đất Sơn Tây tươi đẹp”, già Đơn nói.

Già Đinh Văn Đơn đang chơi đàn Brooc-jiêng.
Già Đinh Văn Đơn đang chơi đàn Brooc-jiêng.


Chiếc đàn brooc-jiêng mà già Đơn sử dụng khá độc đáo. Đàn làm từ quả bầu khô khoét rỗng ruột. Cần đàn là một ống lồ ô dài khoảng 60 - 70cm, có đường kính khoảng 3 - 4cm. Hai dây đàn làm từ cước. Các khóa để điều chỉnh độ căng chùng của dây đàn được làm bằng gỗ.

Cũng giống như già Đơn, già Đinh Văn Iu, ở khu dân cư Tu Ta Mang, thôn Huy Măng, xã Sơn Dung, là người rất “nặng lòng” với những giá trị truyền thống của dân tộc. Hai cây đàn brooc-t’ru và brooc-krâu do chính tay già làm được cất giữ cẩn thận. Già Iu giải thích, không như chiêng đa phần sử dụng trong những dịp lễ hội, đối với những chiếc đàn brooc này, bất kể lúc buồn hay vui đều có thể chơi, có khi dùng để ru con, có khi dùng cả trong tang ma.

Hơn nữa, các loại đàn brooc có nguyên liệu dễ tìm, nên ngày xưa hầu như nhà ai cũng có một chiếc. Đàn brooc đã từng là thứ không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của đồng bào Ca Dong, vì thế già Iu luôn cố gắng gìn giữ nó.

Hiện trạng đáng lo ngại

Biết chơi và làm đàn brooc, nên già Iu là người đã từng truyền dạy cho nhiều thanh niên trong làng cách chơi đàn. Thế nhưng, theo già Iu, ông rất buồn vì thế hệ thanh niên ngày nay đã không còn “mặn mà” với nó nữa. “Trong làng, người cuối cùng tôi dạy đàn là thằng Đinh K’Nhanh. Đến nay, nó đã ngoài 40 tuổi rồi. Hơn 20 năm qua chẳng có ai muốn học chơi đàn nữa, nói gì đến việc học cách làm đàn”, già Iu nói trong tiếc nuối.

Một hiện trạng đáng lo ngại hiện nay là không như chiêng, loại nhạc cụ bắt buộc phải có trong các lễ hội của người Ca Dong, nên vẫn còn có thể thu hút được thanh niên theo học, các loại nhạc cụ như đàn brooc,  kèn... rất khó để tìm “người nối dõi”...

Dân số huyện Sơn Tây hiện nay hơn 19 nghìn người, trong đó hơn 90% là người Ca Dong. Thế nhưng, theo thống kê sơ bộ của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, hiện toàn huyện chỉ có gần 50 người biết sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc và 40 hộ gia đình còn sở hữu các loại nhạc cụ này, còn số người biết làm nhạc cụ dân tộc thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Lê Ngọc Hải – Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sơn Tây cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang thực hiện đề án bảo tồn văn hóa phi vật thể. Từ đầu năm 2016, phòng đã bắt đầu khảo sát hiện trạng sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc của người Ca Dong. Theo tôi, muốn bảo tồn việc sử dụng nhạc cụ dân tộc thì, hằng năm phải tổ chức liên hoan cồng chiêng và đàn hát dân ca từ ngay cấp xã, rồi mới đến huyện. Vì chỉ có phát triển ngay từ ở cơ sở mới có thể thu hút được sự quan tâm của người dân”.

Bài, ảnh: THU HIỀN
 


.