(Baoquangngai.vn)- Hơn 15 năm qua, ngày nào ông Tiêu Năm (71 tuổi, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng ra bãi biển Gành Sau xếp đá. Nhiều người bảo ông làm chuyện dở hơi, nhưng ông vẫn bỏ ngoài tai, dày công kiến tạo một “vương quốc đá” độc đáo.
Ông Tiêu Năm với các tác phẩm đá của mình. Ảnh: Hiền Linh. |
Phước Thiện là một làng chài ven biển, hai mặt giáp biển được người dân đặt tên là Gành Trước và Gành Sau. Những đợt phun trào núi lửa từ hàng triệu năm trước để lại dấu vết là những dải đá đen nhánh nhoài ra sóng, bãi biển Gành Sau còn được gọi là bãi Lục Cục vì ngày trước toàn những đá cục, đá hòn.
Hơn 15 năm trước, người dân thôn Phước Thiện lấy làm lạ khi ông Tiêu Năm, một ngư dân sống bằng nghề đan lưới, đánh bắt gần bờ cứ khiêng đá xếp thành hàng thành lối.
Khi nghe xì xào về việc làm khó hiểu của mình, ông giải thích: Tôi đang làm một công trình nghệ thuật sẽ có giá trị về sau. Nghe vậy, họ chỉ cười. Ông Năm nói rồi mở tủ ra khoe một bao đựng vỏ chai dầu nóng đã qua sử dụng, một bao khác đựng găng tay cũ.
Dầu nóng để xoa mỗi khi đau lưng, mỗi khi đá rơi trúng chân. Còn găng tay bảo vệ bàn tay khỏi xước trước những cục đá lớn, sắc nhọn. Cùng chiếc xe đạp chở đá và một cái xà beng gãy, ông bảo con khi ông chết đi đừng đốt, đừng cho ai, bởi đó là những kỉ vật theo ông mấy chục năm ròng.
Ông Năm khoe, dù chỉ là Tú tài bán (tương đương với học sinh lớp 10 hiện nay) và làm nghề chính là đánh bắt gần bờ, nhưng ông đã lăn lộn kiếm kế sinh nhai ở nhiều nơi. Trong những chuyến đi, ông thấy nhiều người có những thú chơi lạ, ngỡ là vô công rỗi nghề nhưng sau này lại sinh ra tiền. Vì thế mà ông không quản nắng mưa, không ngại những hòn đá to nặng khi tuổi mỗi ngày một già đi.
Ông Năm miệt mài xếp đá thành một cái hồ bơi. Ảnh: Hiền Linh. |
Không còn làm biển nổi, ông kiếm sống bằng nghề ráp xe đạp từ phụ tùng cũ, nhưng vẫn ôm mộng làm du lịch từ “vương quốc đá” của ông.
Năm 2007, ông mở một quán cà phê trên một nền đá do ông kì công xếp. Quán cà phê hướng ra mặt biển trở thành nơi nghỉ ngơi, buôn chuyện của dân làng. Nhờ thế ông cũng kiếm được đồng ra đồng vào.
Thế rồi trận bão năm 2009 cuốn phăng quán cà phê tạm của ông đi mất, xô ngã những phiến đá ông kì công xếp. Ông lại sống chật vật với nghề ráp xe đạp, nhưng vẫn quyết một tay gầy dựng lại niềm đam mê của mình.
Chiều chiều ông lại tới Gành Sau, đăm chiêu với một tác phẩm nào đó dang dở rồi lọ mọ tìm đá về xếp tiếp. “Vương quốc” của ông bây giờ đã có những bức tường thành, hồ cá, đặc biệt là những khối đá được ông tô trát, tạo hình thành những con vật.
Có khối đá được ông tạo thành người đàn bà vọng phu nhìn ra phía biển, ông tô cho người đàn bà ấy mái tóc màu đen, nay màu sơn đã tróc nên trông như tóc bạc. Ông bảo đợi mãi không thấy chồng về nên tóc bạc màu.
Những tác phẩm của ông Năm không đặc tả một sự vật nào, mỗi người nhìn sẽ có một cảm nhận khác nhau. Ảnh: Hiền Linh. |
Ông Năm cũng thế, xếp đá mãi mà chuyện làm du lịch vẫn chỉ là giấc mơ, vì quê hương của ông chưa phát triển. Ở tuổi gần đất xa trời, ông dự tính một ngày nào đó sẽ xây nhà bên “vương quốc đá”, làm một nơi trưng bày đồ cổ và thu được tiền tham quan nơi ông dày công kiến tạo. Ông bảo, ai cũng có một cách nghĩ, một ước mơ của riêng mình.
Hiền Linh