(Báo Quảng Ngãi)- Làn điệu Ca choi, Ta lêu là một trong những nét văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo của đồng bào dân tộc Hrê ở miền núi Quảng Ngãi. Nhiều nghệ nhân ở đây luôn trăn trở làm sao gìn giữ, phát huy những làn điệu của dân tộc mình cho thế hệ sau, trong đó có nghệ nhân Đinh Thị Y ở xã Long Mai (Minh Long).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cũng như các dân tộc anh em khác, đời sống văn hoá tinh thần của người Hrê vô cùng phong phú và độc đáo. Ngoài cồng chiêng, kiến trúc nhà sàn, rượu cần... thì trong văn hoá truyền thống của người Hrê còn có làn điệu Ca choi, Ta lêu...
Trong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ và cả sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, làn điệu Ca choi, Ta lêu được người Hrê sáng tác ca ngợi Đảng, Bác Hồ, bộ đội; tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, tình quân dân; ca ngợi cuộc sống mới, về tinh thần hăng say lao động, sản xuất và tình yêu đôi lứa.
Nghệ nhân Đinh Thị Y truyền niềm đam mê những làn điệu Ta lêu cho thế hệ sau. |
Trong những buổi sinh hoạt ở xóm, thôn không khi nào vắng lời ca, tiếng hát của nghệ nhân Đinh Thị Y, thôn Ngã Lăng, xã Long Mai. Bằng làn điệu Ta lêu, Ca choi mượt mà, với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi cuộc sống mới, nghệ nhân Đinh Thị Y làm cho những buổi sinh hoạt càng thêm ấm áp và gắn chặt tình đoàn kết.
Ông Đinh Văn Ngược, người dân xã Long Mai cho biết: “Mỗi buổi sinh hoạt có chị Y tham gia, mình thấy rất vui và ý nghĩa. Đây là dịp để bà con được nghe làn điệu truyền thống của dân tộc mình”.
Ngay từ nhỏ, nghệ nhân Đinh Thị Y đã được nghe bà, mẹ hát làn điệu Ta lêu, Ca choi ngọt ngào, thấm vào máu thịt của bà. Lúc đầu bà chỉ hát theo và khi lớn lên, bà không chỉ hát hay, mà còn có thể tự sáng tác.
Không chỉ hát Ta lêu, Ca choi lúc sinh hoạt văn hóa, nhàn rỗi, khi vui hay buồn mà cả trong lúc lao động, sản xuất bà cũng hát. Những làn điệu đặc sắc này được bà đem đến các hội thi cấp huyện và tỉnh. Được trời phú cho giọng hát ngọt ngào, tâm hồn yêu văn nghệ, với tấm lòng trân quý bản sắc văn hóa dân tộc mình, bà miệt mài đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Hrê.
“Mình thích hát từ nhỏ, đến bây giờ vẫn vậy, không chỉ hát trên sân khấu khi biểu diễn văn nghệ mà bất kể lúc nào cũng có thể hát được như lúc ru con, ru cháu, làm việc nhà, làm rẫy... Ta lêu như người bạn tâm tình, khi hát mình làm việc thấy như đỡ nặng nhọc hơn, quên đi cái nắng gay gắt trên đầu.
Ta lêu làm cho người phụ nữ Hrê trở nên duyên dáng hơn. Lớn lên, biết Ta lêu, Ca choi là âm nhạc dân gian cổ truyền, độc đáo của dân tộc mình, mình càng yêu quý, có ý thức giữ gìn, làm giàu thêm những bài Ta lêu”, bà Y tâm sự.
Theo các cán bộ văn hóa của huyện Minh Long, bà Đinh Thị Y là một trong những nghệ nhân tiêu biểu ở địa phương. Tất cả các hội thi biểu diễn ở huyện hay tỉnh bà đều tham gia. Đây là nhân tố rất điển hình trong việc giữ gìn, bảo lưu làn điệu Ta lêu, Ca choi của người Hrê ở Minh Long.
Tham gia đội văn nghệ xung kích ở địa phương, trong khả năng của mình, người phụ nữ Hrê đã ở tuổi lục tuần này vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết trong việc tập hợp hạt nhân văn nghệ, thanh niên địa phương, để thông qua hoạt động văn nghệ mà bồi đắp lòng yêu quý văn hóa bản địa trong lòng họ.
Thẳm sâu trong những việc làm nhỏ và ý nghĩa, thiết thực ấy là lòng yêu quý và tự hào về văn hóa truyền thống của cha ông mình. Bà Y bộc bạch: “Tôi muốn lời ca tiếng hát của dân tộc mình được lưu truyền cho thế hệ sau. Những việc bé nhỏ tôi có thể làm cho quê hương là đóng góp công sức, gửi tình yêu đến đồng bào mình”.
Bài, ảnh: VŨ YẾN