(Báo Quảng Ngãi)- Thư viện TP. Quảng Ngãi nằm trên đường Quang Trung, thuộc khu vực trung tâm của thành phố. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan nên thư viện luôn vắng vẻ, đìu hiu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Một sáng giữa tháng 5, dòng người hối hả ngược xuôi trên tuyến đường của TP. Quảng Ngãi để bắt đầu công việc của một ngày mới. Đối nghịch với không khí nhộn nhịp ấy là sự đìu hiu ở bên trong Thư viện TP. Quảng Ngãi. Dường như cảnh tượng này lặp đi lặp lại thường xuyên tất cả các ngày trong tuần. Phòng đọc chỉ có bàn ghế, xếp ngay ngắn trầm mặc với thời gian. Các giá để sách bụi phủ mờ.
Những giá sách đều phủ bụi mờ theo thời gian. |
Chị Phan Thị Thu Vân – chuyên viên thư viện TP. Quảng Ngãi giải thích với giọng đượm buồn: “Thời đại công nghệ thông tin nên đa phần độc giả tìm thông tin qua mạng. Trong khi đó ở đây chưa có thiết bị này, sách báo thiếu phong phú nên chưa đáp ứng nhu cầu của độc giả”. Cũng theo chị Vân, thư viện hiện có 260.000 bản sách thuộc nhiều lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật, sách thiếu nhi, trong đó chiếm số lượng lớn là sách văn học và truyện, nhưng đa số đều xuất bản khá lâu. Hai năm nay, vì nguồn kinh phí hạn chế nên nhiều tác phẩm văn học mới trong và ngoài nước chưa được bổ sung. Thư viện hiện có khoảng 50 người làm thẻ mượn, trong đó, chủ yếu là thiếu nhi, cán bộ hưu trí và người lớn tuổi. Từ lâu, thư viện cũng không phát hành được thẻ đọc tại chỗ, nên hầu như nơi đây luôn vắng bạn đọc quanh năm!
Một trong những nguyên nhân khiến thư viện đìu hiu là cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Nguồn sách quá cũ, thiếu sự đa dạng. Ngoài ra, thư viện nằm giữa lòng thành phố nhưng không có máy tính nối mạng Internet để phục vụ bạn đọc. Ông Nguyễn Lâm Tiên – Đội trưởng Đội tuyên truyền lưu động và thư viện, cho biết: “Thư viện cần có cảnh quan yên lặng, nhưng lại được “bố trí” ở vị trí khá ồn và phòng ốc ẩm thấp, chật chội. Nguyên cơ sở này là nhà ở được trưng dụng làm thư viện. Từ năm 2004 đến nay chỉ được cấp kinh phí tu sửa nhỏ. Đầu sách báo, tạp chí cũng dần bị cắt vì khó khăn về kinh phí. Bên cạnh đó, nhân viên thư viện chỉ có một biên chế là chị Phan Thị Thu Vân – nguyên cán bộ Ban quản lý các Cụm Công nghiệp thành phố, nhưng chưa được đào tạo chuyên môn... “Nhiều lúc bạn đọc vào, mình chưa có nghiệp vụ chuyên môn để giới thiệu sách, quảng bá, khơi gợi trí tò mò, niềm đam mê đọc sách. Khách nước ngoài đến cũng chỉ biết "ậm ừ", vì không biết ngoại ngữ; phương tiện, thiết bị để khách tra cứu thông tin cần tìm cũng không có”, chị Vân bộc bạch.
Bây giờ, TP. Quảng Ngãi đã là đô thị loại 2, trình độ dân trí được nâng lên rất nhiều. Vì vậy, để Thư viện thu hút bạn đọc cần phải bố trí lại địa điểm, đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng các loại sách, báo. Đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thư viện. Đồng thời cần có sự liên kết phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể và ngành giáo dục trong việc tuyên truyền, giới thiệu sách đến người đọc để tạo thói quen đọc sách trong giới trẻ, trong gia đình, nhà trường khơi dậy văn hóa đọc trong toàn xã hội.
Bài, ảnh: MAI HẠ