(Báo Quảng Ngãi)- Với hàng chục đồ vật quý như nồi đồng, chiêng ché, đặc biệt là những dụng cụ cưới hỏi, đi rừng... của người Cor ngày trước còn được lưu giữ, ngôi nhà sàn của già làng Hồ Văn Hai (75 tuổi), ở thôn Trà Ong, xã Trà Quân (Tây Trà) trở thành “bảo tàng” thu nhỏ sống động.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Có ai đó hỏi phong tục cưới hỏi của người Cor xưa kia diễn ra như thế nào? Những lễ vật trong ngày cưới ra sao... thì thật khó hình dung, thậm chí chính những người Cor hôm nay cũng không biết đến. Nhưng nếu đến nhà già làng Hồ Văn Hai, được nhìn thấy những vật dụng cùng với những công dụng của chúng thì sẽ hiểu được phần nào nét văn hóa xưa kia của người Cor.
Già Hai diễn tả cảnh chàng trai người Cor ngày đi lấy vợ phải đeo bộ cườm vào cổ, vai vác thanh đao cùng bộ đồ thổ cẩm. |
“Bây giờ lớp trẻ tổ chức cưới hiện đại rồi, không còn dùng những thứ này nữa, nên cũng không còn ai giữ lại cái này làm gì. Tôi chỉ giữ lại để làm kỷ niệm và nói cho con cháu biết về phong tục của ông bà ta ngày trước”.
|
Từ trung tâm huyện, theo đường núi đến xã Trà Quân chừng 20 cây số. Ngôi nhà sàn kiên cố nhuốm màu thời gian của già Hai nằm ngay cạnh UBND xã. Để gặp được già Hai không mấy khó khăn, vì ông thường xuyên ở nhà để canh giữ những thứ mà ông coi là báu vật của dân tộc mình còn rất ít. Thỉnh thoảng ông lại mang những vật dụng xưa ra để ngắm nghía, chơi một vài điệu đàn B'roc. Gặp ông thì dễ, nhưng để được mục sở thị những báu vật của già Hai thì hơi khó, bởi có nhiều người đến hỏi mua.
Tôi thì may mắn hơn. Những tên gọi rất lạ được ông giới thiệu. Trong căn nhà sàn rộng rãi, đập vào mắt là những dụng cụ đi rừng của người dân với các tên gọi: Xui ná, Tất láp, Lét... Đó là những chiếc túi nhiều ngăn, dùng để đựng dao, thuốc trừ vắt, dụng cụ ăn trầu... khi đi rẫy. Điều ấn tượng của những dụng cụ này là được đan bằng những nan mây rất công phu, tỉ mỉ. “Bây giờ không ai còn dùng cái này đi rẫy đâu, mình chỉ giữ lại làm kỷ niệm thôi”, già Hai giải thích. Tiếp đến, ông lôi ra từ gầm tủ 3 bộ chiêng đồng rất đẹp. Đây là dụng cụ dùng trong nghi thức cúng lễ, đồng thời là phục vụ trong các lễ hội của đồng bào. Ông rất tự hào về một trong 3 bộ chiêng của mình vì nó là chiêng ông bà để lại, tiếng chuẩn và nhiều lần được ngành văn hóa mượn đi biểu diễn ở nhiều nơi, thậm chí ở nước ngoài. Trước đây, ông có đến 10 bộ chiêng như vậy, nhưng khi con cái lớn có gia đình ông lại tặng cho họ, ngoài ra còn tặng cho một số người thân, giờ chỉ còn lại 3 bộ dùng để cúng và cho mượn khi làng có hội đâm trâu.
Sau khi giới thiệu một số vật dụng treo cột nhà và gầm tủ, già Hai đến bên đầu giường mang ra một chiếc túi được bọc cẩn thận. Bên trong là một bộ trang phục gồm quần áo dệt bằng thổ cẩm, nhiều bộ cườm nhiều kích cỡ, khi lắc lên thì phát ra âm thanh rất lạ và vui tai, dùng để đeo cổ và một thanh đao. Già Hai nói đó là trang phục của chú rễ ngày cưới vợ của người Cor trước đây. Rồi ông kể: Ngày trước, con trai khi đi sang nhà gái rước dâu thì mặc bộ đồ này, vai vác thanh đao, cổ đeo vòng hạt. Lễ cưới ngày đó diễn ra mấy ngày liền, 2 bên gia đình qua lại nhiều lần và tổ chức tiệc tùng mời cả làng ăn uống nhiều ngày, rất tốn kém...
Gần cả buổi ngồi ngắm những dụng cụ lạ mắt và nghe kể về những công dụng của từng vật dụng, cuối cùng già Hai cũng cho tôi một bất ngờ khi ông dẫn tôi vào phía bên trong buồng. Lần đầu tiên tôi chứng kiến hàng chục chiếc nồi đồng, ché rượu được xếp gọn trong một góc tường. Ở một góc tối om, có một chiếc ché với hoa văn rất đẹp. Ông nói đó là ché cổ thời Pháp mà ông nội ông ngày trước phải bán đến 5 tạ quế mới mua được. Và cái ché đó được ông cất giữ cẩn thận nhất. Những chiếc nồi đồng lớn được dùng để nấu thịt trâu trong Lễ hội đâm trâu của dân làng. Xong rồi, ông lại cất giữ cẩn thận.
Những vật dụng đi rừng của người Cor trước đây giờ không còn ai sử dụng, được ông Hồ Văn Hai cất giữ làm kỷ niệm. |
Ông kể, có rất nhiều người đến hỏi mua những đồ vật với số tiền lớn nhưng ông quyết không bán, thậm chí từ chối là mình không có vật gì quý giá trong nhà. Đó cùng là lý do người lạ khó có thể được ông trải lòng và cho xem những vật dụng quý giá của mình. Với ông, những phong tục lạc hậu thì có thể bỏ, nhưng có những thứ gắn với truyền thống dân tộc mình cũng không thể lãng quên.
Những năm gần đây, những tay buôn đồ cổ lùng sục khắp vùng rừng núi này để tìm mua chiêng, ché, nồi đồng của người dân. Và không ít người cần tiền đã bán đi tất cả. Còn già làng Hồ Văn Hai thì quyết giữ lại tất cả, với ước nguyện giữ lại chút di sản gắn bó với đời sống của đồng bào một thời chưa xa lắm. Đó cũng là cái lý để những vật dụng gắn với đời sống hằng ngày, những tập tục, nét văn hóa của người Cor trước đây được ông lưu giữ còn lại đến hôm nay.
Bài, ảnh: XUÂN BẢO