(Báo Quảng Ngãi)- Khi cây nêu cao vút đã dựng giữa sân. Con trâu được người làng cột mũi vào trụ, trên hai sừng trâu trang trí đầy những tua dài. Những thiếu nữ Ca Dong được các mẹ, các bà ngồi tỉ mỉ quấn từng vòng chân bằng những sợi cườm đầy sắc màu, khoác lên mình bộ trang phục dân tộc, cổ đeo bộ cườm rực rỡ... tham gia nhảy múa xung quanh cây nêu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gắn kết cộng đồng
Giữa tháng 3, ông Đinh Văn Lập (75 tuổi), già làng uy tín ở thôn Nước Tang, xã Sơn Bua (Sơn Tây) tổ chức lễ hiến trâu để tạ ơn thần linh, cúng mừng năm mới, cầu mong mùa màng bội thu, no ấm... Theo tục lệ, những người họ hàng, thân thích từ khắp các nơi về cùng tham dự. Không ngại đường xa vất vả, chị Đinh Thị Xinh ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh (Tây Trà) vượt đường dài về dự. Gặp chúng tôi, chị Xinh khoe, theo vai vế mình gọi già Đinh Văn Lập là cậu. Mỗi khi ở quê có tổ chức lễ hiến trâu, cả nhà đều về tham dự.
Lễ hiến trâu thu hút nhiều người tham gia. |
Khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa Ca Dong “Theo lịch sử Ca Dong”, đó là câu nói được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong buổi trò chuyện của chúng tôi với những người Ca Dong cao tuổi ở Sơn Tây về nguồn gốc của lễ hội hiến trâu, các nghi thức cúng, trang phục dân tộc... như một sự tự hào, ý thức sâu sắc về những giá trị truyền thống do tổ tiên để lại. Thời gian qua, huyện Sơn Tây đã tổ chức rà soát trên địa bàn về những giá trị văn hóa của đồng bào Ca Dong như các nhạc cụ truyền thống, trang phục, lễ hội, lễ cúng... nhằm khôi phục và gìn giữ bản sắc dân tộc, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. |
Mấy năm trước, Xinh theo cha mẹ đi bộ bằng đường núi mất mấy tiếng đồng hồ mới về đến Sơn Bua. Mỗi lần đi, cả nhà phải chuẩn bị nước uống, đồ ăn mang theo. Còn bây giờ, đi bằng xe máy, khỏe hơn nhiều. Còn ông Đinh Văn Viên (1950) ở thôn Tà Em, xã Sơn Mùa là em trai của ông Lập cũng đi bộ đến nhà người anh từ ngày hôm trước để tham dự lễ hội này.
Lễ hiến trâu được xem là một trong những lễ hội lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần người Ca Dong. Trong đó, có hai ngày lễ chính quan trọng nhất là ngày trước và ngày diễn ra nghi thức đâm trâu. Đó cũng là dịp những người ở xa tụ hội, gặp gỡ, thăm hỏi về đời sống, tình hình sản xuất lẫn nhau. Nhiều người xắn tay áo, phụ chủ nhà chuẩn bị các lễ vật cúng. Những thanh niên khỏe mạnh biết đánh chiêng tham gia vào đội đánh chiêng thực hiện các nghi thức cúng trong nhà và say sưa trong các điệu chiêng xung quanh cây nêu.
Sắc màu trang phục
Vào lễ hội hiến trâu, những thiếu nữ Ca Dong lại háo hức, trông chờ. Bởi đó là lúc các cô gái 17, 18 tuổi xúng xính trong bộ trang phục dân tộc đầy sắc màu. Trong căn nhà sàn gần nhà với gia chủ tổ chức lễ hiến trâu, bà Đinh Thị Nhoa (60 tuổi) ngồi tỉ mỉ quấn từng vòng cườm đủ màu sắc vào cổ chân của cháu ngoại là Đinh Thị Sáu (17 tuổi) ở thôn Nước Tang, xã Sơn Bua. Vòng chân là sợi dây được kết từ những hạt cườm nhỏ li ti, hai đầu dây là những hạt cườm đen, kế tiếp là
Thiếu nữ Ca Dong được các bà, các mẹ tỉ mỉ chuẩn bị trang phục tham gia lễ hội. |
màu xanh, đỏ và trong cùng là những hạt cườm nhiều màu xen kẽ nhau. Điều thú vị là sau khi “thành hình”, những vòng chân của thiếu nữ Ca Dong hài hòa về màu sắc, nhìn xa trông như những vòng chân bằng vải thêu sẵn. Sau phần trang trí vòng chân, các bà, các mẹ lục từ trong tủ ra những bộ quần áo của đồng bào vùng cao cho con cháu của mình. Phần lớn, hiện nay những bộ trang phục này do một số gia đình người Ca Dong có điều kiện mua lại từ những người ở Kon Tum hay Gia Lai với giá từ 350.000 - 400.000 đồng/bộ.
Do sự giao lưu văn hóa nên trang phục người Ca Dong có nhiều nét phong phú, đa dạng kiểu mẫu. "Cùng với bộ trang phục thổ cẩm đủ màu sắc, phụ nữ Ca Dong dùng những bộ cườm kết bằng tay có nhiều màu sắc rực rỡ làm vòng đeo cổ, đeo tay, bên hông có đeo bộ lúc lắc phát ra tiếng nhạc thú vị... Những bé gái còn nhỏ tuổi chỉ đeo những bộ vòng cổ, còn các thiếu nữ và phụ nữ lớn tuổi hơn tham gia nhảy múa trong lễ đâm trâu phải mặc trang phục dân tộc, đi chân không. Còn trang phục đàn ông đơn giản hơn, đầu đội khăn, đóng khố hoặc mặc trang phục bình thường", chị Đinh Thị Bảy ở thôn Nước Tang cho hay.
Bài, ảnh: THẢO VY