(Baoquangngai.vn)- Xã Long Sơn, huyện vùng cao Minh Long đang nỗ lực từng ngày để giữ gìn và phát huy những giá trị vật thể, phi vật thể của đồng bào Hrê trước nguy cơ bị mai một, do mất dần đi những thế hệ “gạo cội”, cũng như sự lấn át của những phương tiện giải trí hiện đại trong đời sống hằng ngày.
Hơn 10 năm nay, xã Long Sơn đã thành lập ra 9 đội văn nghệ xung kích ở các thôn. Thành viên trong đội được phát hiện và tập hợp lại từ những cá nhân có khiếu văn nghệ trong quần chúng, trường học và tổ chức đoàn thể. Trong hàng trăm cá nhân tham gia, xã tuyển chọn và rút lại còn khoảng 20 người nổi trội - những “nghệ nhân” không chuyên để hình thành đội văn nghệ xung kích.
Cứ thế, hằng tuần, sau những giờ bận bịu trên nương rẫy, các “nghệ nhân” dành thời gian để quây quần bên nhau tại các địa điểm được hẹn trước. Họ tập đánh cồng chiêng, hòa mình cùng nhạc cụ đàn Vinh Vút, đàn Brooc, đàn Ra Ngói, sáo Tà Lía... rồi cùng cất lên những làn điệu dân ca thân thuộc để vừa thư giãn, vừa luyện thanh cho những “ngày hội” lớn.
Việc tập luyện được duy trì thường xuyên từ 3-5 lần/tuần, ít thì một buổi. Ai nấy đều hào hứng tham gia. Vuốt chòm râu trắng, già Đinh Rừng, 55 tuổi vui vẻ, khoe rằng: "Mỗi lần mọi người tập luyện lại thấy bọn trẻ bu lại cùng tập, già thấy ấm cái bụng lắm. Đó là cách gần nhất để chúng tìm về với nguồn cội văn hóa dân tộc, không để chiêng, trống bị “điếc”.
Hằng tuần, sau những giờ bận bịu trên nương rẫy, các “nghệ nhân” dành thời gian để quây quần bên nhau đánh cồng chiêng, các loại nhạc cụ và hát dân ca. |
Dần dà khi có tiếng tăm, đội văn nghệ ấy không thể thiếu mặt trong các ngày lễ, hội nghị ở xã Long Sơn nói riêng, huyện Minh Long nói chung tổ chức; trở thành đại diện tin cậy đi tham dự các hội diễn ở tỉnh; tham gia các kỳ Festival cồng chiêng quốc tế… đem về vinh dự cho đồng bào Hrê với thành công ngoài sức mong đợi.
Hơn thế nữa, vài năm trở lại đây, khi phong trào xây dựng nông thôn mới phát động rộng rãi trong toàn tỉnh, đội văn nghệ xã Long Sơn còn biết cách lồng ghép một cách khéo léo các nội dung về xây dựng nông thôn mới trong các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm, hài kịch. Đó là cách để các "nghệ nhân" gián tiếp đưa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về với bà con.
Anh Đinh Văn Yếm - Cán bộ phụ trách văn hóa xã Long Sơn tự hào: “Sức lan tỏa của những tiết mục xây dựng kịch bản, biên đạo bởi “đạo diễn ao làng” đã tác động sâu sắc đến người dân, đến phong trào của từng thôn, xóm. Đời sống tinh thần của nhân dân trong xã ngày một nâng cao. Tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới cũng theo đó phát triển. Tinh thần hăng say lao động sản xuất, đoàn kết trong khu dân cư, tình yêu quê hương, đất nước... cũng được phát huy”.
Theo số liệu từ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Minh Long, trên địa bàn huyện còn có hơn 400 bộ chiêng. Điều đáng buồn là hiện nay trong thế hệ lớn tuổi còn sống chỉ có số ít am hiểu, còn lớp trẻ dường như không mấy quan tâm.
Đáng tự hào, cùng với Thanh An và Long Môn, Long Sơn là một trong ba địa phương có số người giữ chiêng, biết đánh chiêng và chỉnh chiêng nhiều nhất huyện. Ông Đinh Tại, thành viên đội văn nghệ chia sẻ: “Mình lưu giữ lại những nhạc cụ truyền thống sẽ giúp con cháu hiểu thấu đáo và trọn vẹn hơn về vốn văn hóa của dân tộc mình”.
Hiện nay, huyện Minh Long đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương để tiếp tục phát triển các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca.
|
Ông Lê Đình Thông - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Minh Long, cho biết: “Niềm đam mê của các “nghệ nhân” trong đội văn nghệ tưởng chừng như đơn giản nhưng đã góp phần giúp thế hệ hôm nay hiểu biết sâu sắc hơn hình ảnh con người Hrê với vốn văn hóa lâu đời và hết sức đặc sắc. Chính từ những nỗ lực, đam mê gìn giữ vốn văn hóa dân tộc của các "nghệ nhân" đã tạo nên sức sống cho nét văn hóa của người Hrê ”.
Ông Thông cho biết thêm, để bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê ở Long Sơn nói riêng và Minh Long nói chung, huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp phù hợp. Địa phương đã đưa vào kế hoạch hàng năm sẽ trang bị cho mỗi nhà văn hóa một bộ chiêng để bà con sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, mời một số nghệ nhân đánh chiêng giỏi mở một lớp truyền dạy cho khoảng 20 em rồi sau đó nhân rộng ra trong lớp trẻ.
Mặt khác, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương, định hướng giai đoạn 2015-2020 tiếp tục phát triển các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca để bảo tồn, lưu giữ.../.
Bài, ảnh: Thiên Hậu