(Baoquangngai.vn)- Đến thôn Tây, xã Trà Thọ, huyện vùng cao Tây Trà hỏi “Tư chiêng” hay “Tư đồ cổ” thì hầu như ai trong thôn cũng đều biết. Anh tên thật là Hồ Văn Tư (1989), người sở hữu bộ sưu tập chiêng, ché vào loại “độc nhất vô nhị” khi mới ở tuổi 27.
Thà nghèo chứ không bán chiêng
Con đường vào thôn Tây, xã Trà Thọ có những đoạn phải hai người đẩy thì xe mới chịu nhích nổi bánh qua vũng bùn trơn tuột. Nhà anh Hồ Văn Tư nằm xuôi theo triền dốc, mặt tiền hướng về phía núi cao hùng vĩ, lưng nhìn xuống mặt ao xanh lấp loáng nắng trời. Tuyệt đẹp!
Lúc chúng tôi đến hỏi thăm, anh còn bận việc trên xã cách đó không xa. Thế nhưng, khi nghe người thân báo, anh tức tốc chạy bộ về, gương mặt rã mồ hôi. Sau màn chào hỏi ngắn ngủi, Tư dẫn hai vị khách vào nhà, rút vội trong khay miếng trầu đã vàng úa, quệt vôi đưa lên miệng nhai chúm chím rồi nói: “Lại đến hỏi chiêng à. Ai bán mà mua”- Tư kiên quyết.
Nhưng rồi, Tư cũng mủi lòng cho chúng tôi chiêm ngưỡng bộ sưu tập “cổ vật” quý giá của mình. Trong gian nhà thấp, tối với diện tích chật hẹp, chiêng được treo ngay ngắn trên bức tường vôi loang lỗ; ché được xếp thành hàng thẳng tắp ngay cạnh bàn thờ gia tiên như tôn thêm giá trị của những vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt lẫn tâm linh của đồng bào.
Anh Hồ Văn Tư với bộ sưu tập chiêng, ché "độc nhất vô nhị". |
Đối với người Cor, chiêng đã thành vật bất ly thân, không nhà nào không có. Dù nghèo đói đến đâu thì gia đình nào cũng cố sắm cho mình một cặp, khá giả thì mua đến hai. Trường hợp của Hồ Văn Tư thì “độc nhất vô nhị”.
Thời đó, để sở hữu bốn cặp chiêng là điều không phải dễ, nhà nào có thì cũng thuộc hạng đại phú, đại quý trong vùng vì chiêng được đổi bằng trâu theo hình thức ngang giá, một con trâu đổi được một cái chiêng.
Tức là tổ tiên anh Tư phải đổi đến tám con trâu to để “rinh” về nhà tám chiêng quý. Bên cạnh chiêng, chàng trai 8X này còn lưu giữ cả ché và nồi bảy, nồi bùng (vật dụng dùng để nấu cơm) với số lượng ngót nghét hơn chục cái.
Bộ sưu tập “khủng” này giá trị không còn tính bằng vật chất, tiền bạc mà trở thành vô giá với “tuổi đời” trên 200 năm, trải qua 4 đời lưu truyền. Tư tự hào khoe: “Đó là tất cả gia tài mà cha tôi để lại. Khi ngắm nó tôi lại nghĩ đến ông. Không thứ gì đánh đổi được”.
Dứt câu, Tư bày tất cả ra sạp giường, lau chùi cẩn thận bằng khăn tẩm nước. Khi đâu vào đó, anh cầm chiêng lên đánh một hồi dài trong tư thế nhắm nghiền mắt, thỉnh thoảng ngã nghiêng y hệt một người say. Tư đang say nhạc cụ truyền thống!
Nhắc về Tư, mọi người đều tự hào và nở nụ cười mãn nguyện vì ở thế hệ trẻ như anh, biết đánh chiêng đã là giỏi lắm rồi chứ chưa nghĩ đến việc lưu giữ nó. Tư được ví như “hoa ban” nở giữa cộng đồng người Cor khi làm được cả hai điều đó.
Nhìn vào gian nhà mới hoàn thành xong phần thô, bốn bề còn trống hoác vì chưa lợp ván chúng tôi mới đủ sức tin vào cái “ngông” của Hồ Văn Tư. Mà theo lời anh kể thì nếu bán hết số chiêng ấy là dư sức làm, nhưng điều đó chưa bao giờ hiện diện trong suy nghĩ của anh. Thà nghèo chứ nhất định không chịu bán.
Cùng nhau giữ “báu vật” của làng
Chơi chiêng là thú vui đã ngấm sâu vào máu của đồng bào Cor nơi đây từ thuở sơ khai lập bản. Thời thịnh hành, trong tổng số 500 hộ thì có tới hơn 200 hộ có chiêng.
Dần dà về sau, những thế hệ trẻ như Tư không còn mấy ai biết đánh, nhạc cụ ấy trở thành vật dư thừa trong nhà của họ. Người dưới xuôi hay tin năm lần bảy lượt kéo nhau lên hỏi mua với cái giá hời chưa từng có. Ai nấy đều gật đầu bán ngay lấy tiền tiêu xài. Dăm ba ngày là hết sạch. Đó là điều đau lòng đối với thế hệ cao niên và đội ngũ những người làm công tác bảo tồn.
Ché cổ vật dụng dùng để chưng cất rượu được anh Tư giữ gìn cẩn thận. |
Câu chuyện ấy là thật khi số liệu rà soát, thống kê năm 2012 của xã Trà Thọ chỉ ra rằng, hiện nay toàn xã chỉ còn chưa đầy 100 hộ còn giữ chiêng.
Giữ chiêng là một phần, còn làm thế nào để chiêng thật sự có chỗ đứng là chuyện khác. Xã cũng đang mở thường xuyên những lớp dạy đánh chiêng và tập hợp những thanh niên như Hồ Văn Tư lại để hình thành đội ngũ kế thừa. Mỗi lớp kéo dài cả tuần lễ. Ông Hồ Tấn Vũ, Chủ tịch UBND xã Trà Thọ cho hay: “Đồng bào Cor có được những người con như Tư là rất quý. Tuy trẻ nhưng ý thức cao về cội nguồn, văn hóa dân tộc”.
Chia tay chàng thanh niên 8X khi bóng hoàng hôn đã buông xuống những ngọn keo lai bạt ngàn xanh, chúng tôi lại trở về với phố thị. Trên đường đi, trong đầu vẫn nhớ như in lời nói kiên quyết của Tư: “Khi nào Tư còn sống thì bộ chiêng quý này còn ngự trị ở thôn Tây”…
Bài, ảnh: Thiên Hậu