Quảng Ngãi: Cần quy hoạch tổng thể để bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa

07:01, 31/01/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Đây chính là một trong những nội dung được đề cập tại cuộc họp diễn ra vào ngày 30.1 để trao đổi kết quả khảo sát bước đầu của các nhà khoa học, giới thiệu tiềm năng địa chất, văn hóa và khả năng hình thành Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) tại Quảng Ngãi.
Tham dự cuộc họp có Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh Lê Quang Thích; đại diện Sở VHTH&DL, Trung tâm di sản văn hóa biển - Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương cùng gần 30 chuyên gia là các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu trong nước về lĩnh vực địa chất, địa mạo, núi lửa, văn hóa. 
 
Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã báo cáo sơ bộ đợt khảo sát, điền dã các khu vực dự kiến khoanh vùng, lập hồ sơ CVĐCTC nhằm thu thập cứ liệu phục vụ công việc nghiên cứu; chuẩn bị tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế về CVĐCTC khu vực Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận, dự kiến tổ chức vào tháng 4.2015.
 
Theo đó, trong ba ngày, từ ngày 28 đến 30.1, Đoàn đã có chuyến đi khảo sát rộng về địa mạo, địa chất, môi trường, văn hóa, du lịch tại các địa phương dự kiến khoanh vùng CVĐCTC như Tp.Quảng Ngãi, huyện Trà Bồng, Bình Sơn, Lý Sơn và gặt hái được nhiều kết quả khả quan.
 
Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.
 
Các di tích như Thương cảng cổ Thu Xà, Núi Thiên Ấn, di tích Thành cổ Cẩm Thành, Thành cổ Châu Sa, cùng các di tích văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa có giá trị vô cùng quan trọng trong việc lập hồ sơ CVĐCTC và cần được bảo tồn nguyên trạng, nghiên cứu làm cơ sở khoa học để phục hồi lại.
 
Các di sản địa chất tại Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận vô cùng phong phú và đa dạng, đánh dấu nhiều đợt chuyển biến của vỏ trái đất, của quá trình tạo sơn, tạo biển cách đây hàng triệu năm về trước. Nhiều di sản trong khu vực đạt chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng được tiêu chí của CVĐCTC. Đoàn cũng đánh giá cao một số điểm về địa chất, địa mạo khu vực Trà Bồng như đèo Eo Chim, thác nước, suối nước nóng Thạch Bích…
 
Tuy nhiên, đoàn chuyên gia nhận thấy, hiện nay có nhiều di tích, di sản địa chất, văn hóa và môi trường đang bị xâm hại nghiêm trọng. Đoàn đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến việc qui hoạch tổng thế để bảo tồn các di sản thiên nhiên, văn hóa, cần phải tuân thủ theo tiêu chí CVĐCTC do Unessco đưa ra; có kế hoạch cấp thiết bảo vệ các di tích… 
 
Các chuyên gia khảo sát thực tế tại Lý Sơn.
Các chuyên gia khảo sát thực tế tại Lý Sơn.
 
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh Lê Quang Thích ghi nhận những ý kiến góp ý cũng như đề xuất của các chuyên gia và cho rằng việc thành lập CVĐCTC tại Quảng Ngãi mang nhiều ý nghĩa quan trọng. CVĐCTC không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà đó còn là vấn đề mang tính bền vững trong việc tạo sinh kế mới cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
 
Trong thời gian đến, tỉnh sẽ sớm đưa ra quyết định hình thành, công nhận việc hình thành CVĐCTC tại tỉnh Quảng Ngãi; thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý kiểm tra, đôn dốc việc tổ chức thực hiện; xây dựng khung hành động cụ thể, chuẩn bị cho Hội thảo khoa học quốc tế để củng cố thêm các cơ sở khoa học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân, chính quyền địa phương hiểu rõ vai trò cũng như tầm quan trọng việc hình thành Công viên địa chất toàn cầu. 
 
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú ý đến việc qui hoạch các vùng dự kiến nằm trong CVĐCTC. Đồng thời đầu tư các dự án về môi trường, nguồn nước, bảo vệ, phát huy các giá di săn văn hóa, thiên nhiên… 
 
Tin, ảnh: Thiên Hậu
 
 

.