(Báo Quảng Ngãi)- Đó là tâm sự của những bậc cao niên trong làng, nặng lòng với những tập quán, văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng dân cư. Hằng ngày, không ai bảo ai, họ luôn vẫn cần mẫn với việc quét dọn, lo hương khói cho đình làng với lòng thành kính và tự hào.
Nặng lòng với văn hóa truyền thống
Ở thôn An Định này, chẳng ai hiểu đình làng An Định ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) bằng cụ Nguyễn Tiền. Dù nay đã trên 85 tuổi nhưng cụ vẫn còn minh mẫn, nặng lòng với đình làng, với văn hóa truyền thống. Cụ Tiền bảo, đình làng là nơi thờ Thành hoàng bổn xứ- người có công khai hoang vùng đất này và cũng là vị thần bảo trợ cho dân làng. Đình làng này do bảy tộc họ và dân làng đóng góp xây dựng nên.
Nay đã 85 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Tiền vẫn một lòng gìn giữ đình làng. |
Đình An Định tọa lạc ở khu đất cao, được xem là thế đất đẹp nhất của làng, tính đến nay đã gần 200 tuổi, mang đậm nét kiến trúc của triều Nguyễn. Xung quanh đình có nhiều cây cổ thụ bao quanh với tổng diện tích hơn 5.000m2. Cũng bởi vì diện tích khu di tích quá rộng mà việc chăm nom, quét dọn phải mất rất nhiều công sức. Vì thế, một tháng, cụ Tiền quét dọn đình làng hai lần vào ngày đầu tháng, ngày rằm và cứ mỗi lần dọn dẹp lại mất đến 2, 3 ngày ròng rã. Đưa tay chạm vào bình phong trước đình, cụ Tiền trải lòng: Ông này qua đời, lại đến ông khác thay thế. Ai giữ đình cũng phải tầm 65, 70 tuổi, bởi đây là chốn linh thiêng, chỉ có người cao tuổi mới hiểu được những giá trị văn hóa lâu đời, mới biết nâng niu, trân trọng từng chút một.
Thấm thoắt đã gần 15 năm, cụ Tiền gắn bó với công việc giữ, trông nom đình. Ngày trước, khi sức khỏe còn tốt, ngày nào cụ cũng vào viếng đình, nhang khói nhưng mấy năm gần đây, vợ cụ mất, sức khỏe cũng không được tốt như xưa nên đôi ba hôm, cụ mới đến thăm đình.
Chẳng quản ngại khó khăn, vất vả
Giữ đình làng An Chuẩn hơn 10 năm nhưng chưa một ngày nào ông Trần Ngọc Công (75 tuổi) ở thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức) để đình làng An Chuẩn hiu quạnh, không có nhang khói. Nâng niu từng cái ly, cẩn thận lau từng trụ đèn, ông thủ thỉ: “Làm gì cũng phải có cái tâm, huống chi là trông giữ đình làng”.
Quan niệm của người xưa: “Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt, riêng mình em đâu”. Việc gì liên quan đến đình thì đều được cân nhắc, phải thật cẩn thận, chu đáo, bởi nó ảnh hưởng đến vận mệnh của tất cả mọi người trong làng. Và cho đến bây giờ, giá trị tâm linh ấy vẫn còn giữ nguyên vẹn ở đình làng An Chuẩn. Bởi đây là nơi thờ thần Đức Nam Hải – vị thần bảo trợ cho làng chài, cho những chuyến ra khơi của ngư dân nơi đây nên việc chăm sóc, cúng bái ở đình vô cùng quan trọng. Vậy nên khi được giao trọng trách giữ đình, chẳng ngày nào ông Công dám lơ là. Ngày ngày, khi mặt trời vừa ló, ông cầm chổi vào đình, bắt đầu ngày mới bằng công việc lau chùi, quét dọn và đến khi mặt trời ngả bóng, ông lại đến đình để bật đèn thờ, cẩn thận cài từng then cửa.
Cứ thế, cuộc sống ngoài kia có bon chen, vội vã đến thế nào, thì những người giữ đình, những người gắn bó với văn hóa truyền thống như cụ Tiền, ông Công vẫn một lòng với di tích. Họ cứ thế lặng lẽ giữ gìn cho đời những giá trị văn hóa về sau.
Bài, ảnh: HIỀN THU