(Báo Quảng Ngãi)- Vào đầu thu, tôi đặt chân đến Hà Nội, khi những chiếc lá cây khô vàng xoay tròn cuồn cuộn trên mặt đường, vậy là thu đã về với Thủ đô yêu dấu. Sự đổi thay theo thời gian, biến đổi về khoảng trời rộng mở, nhiều nhà cao tầng, con đường ngang dọc và nhất là dòng người xe cứ nối đuôi nhau, chen chúc ở mọi ngả đường. Hà Nội xưa nay vẫn hiện diện quán chè chén ven lề đường, quán phở nghi ngút khói, gánh hàng rong í ới vọng từ ngõ phố, những ngôi nhà ống mặt tiền hẹp hun hút sâu, công viên, bãi đất rộng tụ tập người già trẻ tập thể dục, trò chuyện sôi nổi, rôm rả…
Tôi vẫn nhớ Hà Nội vào những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, có một Hà Nội yên bình, thanh thản sau chiến tranh. Ta bắt gặp tàu điện leng keng qua dãy phố cổ, những con đường đầy ắp xe đạp, người qua lại với trang phục “lính” bình dị, dép nhựa Tiền Phong… và chưa thấy ai mặc váy đầm. Hồ Gươm, hồ Tây, hồ Bảy Mẫu… soi bóng mình với hàng liễu rũ, hàng cây rợp mát. Những quan hệ đối xử, giao tiếp chưa có bóng dáng cơ chế thị trường… Một Hà Nội cổ kính với hình ảnh rất riêng không thể lẫn vào đâu được.
Du khách tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: H.TRIỀU |
Những năm sau này, tôi có dịp ra Hà Nội và từng ngày chứng kiến sự đổi thay đến chóng mặt. Trước đây là khu nhà cũ kỹ lụp xụp, ruộng vườn cây trái xanh màu. Chỉ một vài phác họa trên tấm bản đồ quy hoạch là con đường mới, phố xá, khu dân cư xuất hiện… và mỗi mét vuông đất ở đây sẽ được tính bằng vàng ròng. Với người dân được sinh sống trong nội đô, cách trung tâm khoảng 10km trở lại đã là “hạnh phúc”, nhưng cách trung tâm 20km thì cũng là rất quý và sự vươn vai trở mình của Hà Nội còn xa hơn 50km. Từ nông thôn trở thành đô thị là một khoảng cách gần như ta có thể cảm nhận được qua những đổi thay khi vô tình ta quay lại vùng đất cũ. Những cánh đồng lớn ở ven đô đã mọc lên cao ốc, nhà máy sản xuất, công trường xây dựng và Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, từng bước hội nhập và phát triển.
Vậy mà tôi vẫn muốn một Hà Nội cũ xưa, thích đi lang thang trên phố cổ, ngắm nhìn các công sở, biệt thự còn sót lại thời Pháp thuộc khu vực gần Hoàng thành. Điểm nhấn là Cột Cờ xây bằng đá và gạch vươn cao với lá cờ Tổ quốc lồng lộng giữa không gian trời đất, là biểu tượng thiêng liêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đi bộ vài trăm mét là đến khu vực Hoàng thành, nơi ấy sau nhiều lần khai quật, lộ ra nhiều dấu tích cổ xưa, những nền nhà, chân móng đá gạch, cổ vật… bị vùi lấp nông sâu nay được các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu… đưa lên trưng bày, triển lãm cho công chúng thưởng ngoạn.
Mỗi dấu vết, mỗi tấc đất ở khu vực Hoàng thành Thăng Long đều thể hiện một thời cung vua hưng thịnh hoặc suy vi. Hôm nay, chúng ta tìm thấy những dấu vết, chứng tích ấy đã chứng minh, một bài học về lịch sử - văn hóa cho con cháu hôm nay và mai sau. Một quần thể di tích, có khu vực mới phát lộ, có khu vực còn chìm sâu trong lòng đất… tất cả chứng minh một kinh thành xưa, một công trình kiến trúc đồ sộ thời Đinh và Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2010. Tôi thong thả dạo bước và leo lên các bậc tam cấp Đoan Môn, nhìn về phía Cột Cờ Hà Nội theo một đường thẳng, khoảng bãi cỏ rộng xanh mơn mởn bên dưới chính là sân vận động Cột Cờ trước đây, nơi đội bóng Thể Công (Quân đội) được tập luyện và thi đấu.
Hạng mục tiếp theo là tôi vào tham quan Điện Kính Thiên là nơi thờ các vị vua nước Việt, khói hương trầm thoang thoảng như đưa tôi trở về nhiều thế kỷ trước, không gian u tịch, mờ ảo. Ta như quay về thời hưng thịnh các triều Vua, dấu xưa hồn thu thảo, tiếng ngựa hý quân reo trống giong cờ mở, nhiều chiến công hào hùng, chiến thắng giặc phương Bắc được ghi lại trong sử sách của cha ông. Và đây là Nhà D67, nơi Bác Hồ và Bộ Chính trị tổ chức họp, đưa ra những quyết sách quan trọng có tính chất quyết định đối với vận mệnh của đất nước. Vẫn còn đó những chiếc bản đồ treo trên tường, những chiếc ghế ngồi… Lịch sử hào hùng, quá khứ vụt qua như những thước phim quay chậm, những lát cắt được ngưng lại để chúng ta ôn lại một chặng đường vinh quang, tự hào của mỗi công dân Việt.
Quảng trường Ba Đình đầy nắng gió, mây trời bảng lảng trên cao, tôi xếp hàng theo dòng người bất tận để vào viếng thăm Lăng Bác và khu vực Phủ Chủ tịch. Những sắc hoa rực rỡ tươi màu nổi bật trên thảm cỏ xanh, hàng cây xanh rợp mát làm lắng đọng hồn du khách, một không gian trang trọng, gần gũi nên thơ. Hồ nước in ngôi nhà sàn của Bác vàng ánh nắng thu, lao xao cánh lá vô tình đáp nhẹ xuống gợn sóng mặt hồ. Lời Bác dạy còn vọng mãi với núi sông: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do…”, đất nước đi lên và phát triển từ ngày hôm nay.
Con đường phía trước dù đôi lúc gập ghềnh, sóng gió nhưng với ý chí vượt qua khó khăn, chúng ta sẽ đi lên và bắt kịp với các nước tiên tiến trên thế giới. Thủ đô ở trong trái tim ta, Thăng Long - Hà Nội đã vươn mình ra phía trước, ngọn cờ đỏ sao vàng lồng lộng ở Quảng trường Ba Đình xác định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Độc lập tự do gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mỗi ngọn núi, con sông, những đảo nổi, đảo chìm ở Biển Đông đã xác lập mốc chủ quyền, không kẻ thù nào có thể xâm chiếm.
Thu ở Hà Nội, những lá vàng đỏ khô rơi rụng bay bay trên những con đường quanh khu kinh thành Thăng Long xưa, vết rêu phong bám trên bờ đá, tường gạch còn sót lại khiến cho du khách nhiều nuối tiếc, hoài mong khôn nguôi. Quy luật xây dựng mới để phát triển vẫn song hành tồn tại những giá trị văn hóa, lịch sử. Đó là điểm tựa để đất nước tiếp tục vững vàng vươn tới tương lai.
Bút ký: Hồ Nghĩa Phương