Con đường lồng lộng gió quê

02:10, 11/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi đi theo con đường mới mở dọc triền sông phía tả ngạn sông Trà vào một chiều xanh của trời, của nước, của cỏ cây lao xao trong gió thu thổi dọc triền sông. Tất cả như ám ảnh, như cuốn lôi tôi lạc vào miền cổ tích.

Con đường bắt đầu phía dưới đầu cầu Trà Khúc II hướng xuống biển Mỹ Khê. Chỉ đi qua quãng đường ngắn đã thấy dòng Trà Giang thơ mộng hiện ra. Dòng sông xanh hiền hòa dưới nắng chỉ cách con đường ta đi một triền xanh, xanh mơn mởn của cỏ cây rồi đến dải cát vàng thiu thiu trong gió.

 Gió. Gió cứ thổi dọc triền sông như khơi nguồn cảm xúc.

 Gió chiều lúc mơn man, lúc thiu thiu gợi nhớ, lúc mơn trớn dặt dìu. Cái gió trong lành thổi từ phía cửa Đại lướt qua dòng sông cho ta hoang hoải nỗi lòng. Và gió nơi này hình như cũng làm nhạt nhòa nắng để râm ran. Để núi Thiên Ấn soi mình trên dòng Trà Giang lao xao sóng nước, giao thoa cùng không gian hiện hữu đầy mê hoặc, quyến rũ mà ai chẳng ngẩn ngơ. Người xưa đã ví hình ảnh đó như ấn trời niêm xuống dòng sông và xếp vào đệ nhất thắng cảnh ở Quảng Ngãi: Thiên Ấn niêm hà.

 Chẳng hiểu vì sao, khi đi qua đoạn đường này xe tôi như ghì chậm lại, để tôi hoài niệm một thuở xa xăm và để tôi đi vào cảm xúc giữa ảo mờ và hiện hữu. Hình như tôi nghe trong làn gió nhẹ vừa thoảng qua, mang theo dư âm tiếng mái chèo khua nước từ con thuyền thi sĩ Bích Khê đang xuôi dòng Trà Giang trong thời gian ông dưỡng bệnh, mà hồn thơ cứ lai láng chảy ra.

 

Cổ Lũy cô thôn.                                                     Ảnh: T.L
Cổ Lũy cô thôn. Ảnh: T.L


Xe cứ chạy và lòng tôi cứ thao thức. Thao thức với cuộc viễn du về với những vẻ đẹp dân dã và thơ mộng của xứ sở quê nhà. Cụ thể hơn là dọc theo hai bên đường mà xưa nay tôi chưa có dịp đặt chân đến. Tất cả như mời gọi, như vẫy chào. Thế nên, thi thoảng tôi phải dừng xe để thưởng ngoạn vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, cùng công sức của con người nơi đây tạo ra. Và không quên ghi lại  những tấm hình đẹp như mơ theo dọc đường đi. Rồi hành trang trở về sau chuyến đi này sẽ lưu lại những bức ảnh miên man cảm xúc.

Chiều, gió càng đầy hơn theo phép cộng chiều dài hướng về phía biển. Nhất là khi đến địa phận xã Tịnh Long - xứ sở của bốn mùa cung cấp rau xanh. Màu xanh mơn mởn trải dài ở hai phía con đường khiến hồn tôi ngây ngất.

Con đường tiếp tục dẫn tôi đi theo vòng lăn êm ru của bánh xe. Bức tranh quê càng dần về phía biển lại càng thơ mộng. Khi đến đoạn đường cuối thôn An Đạo, xã Tịnh Long, nơi tiếp giáp địa giới giữa hai xã Tịnh Khê và Tịnh Long bằng dãy núi Ngang trườn mình đến tận triền sông (bây giờ con đường lượn qua chân núi ấy). Tôi tin rằng du khách sẽ tìm cho mình một chỗ đổ xe thích hợp để thưởng ngoạn vẻ đẹp nơi này.

Chiều càng đầy gió hơn. Gió trong lành, hào phóng thổi từ phía cửa Đại qua những rặng dừa nghiêng nghiêng, qua những tàn cây thấp thoáng, qua những triền ngô xanh lắt lay. Rồi dìu dặt, rồi mơn man qua da, qua tóc… Thế thì còn gì hơn. Và bao vất vả, muộn phiền đời thường như được gởi cho gió cuốn đi. Nếu ai đó đã từng nhìn bóng tịch dương chợt dâng lên nỗi lòng hoài niệm, hoài cổ thì bóng tịch dương nơi này lại càng da diết. Bởi không chỉ sự tĩch lặng qua sắc xanh ngút ngàn của cỏ cây, sông nước thiu thiu, mà xa xa Cổ Lũy cô thôn lại hiện hình thật rõ. Thế là ta được thưởng ngoạn Cổ Lũy cô thôn đẹp theo cách êm đềm thơ mộng của nơi có sông nước, biển trời lượn quanh. Và gọi về trong ta bao nỗi niềm khó tả…

Đi qua vùng đất Khê Nam thuộc xã Tịnh Khê. Vùng đất có hạ lưu sông Trà ôm ấp. Cho lũy tre, rặng dừa soi mình. Cho bao đôi lứa yêu nhau tình tự. Và xưa nay vẫn là chốn thôn dã êm đềm chân chất. Giờ, con đường mới mở chạy qua sẽ nhóm lên niềm tin và hy vọng. Du khách đi qua không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp của miền quê này.

Khê Thủy, điểm gần cuối của con đường tôi đang nói đến, đang cho tôi bao cảm xúc miên man. Tôi dừng lại nơi này thật lâu. Bởi ở đó có các bạn tôi, đã từng tiếp tôi qua những buổi chiều trà dư tửu hậu. Nơi chắp cánh cho những hồn thơ bay bổng. Nơi có rừng dừa nước chạy dọc dòng sông Kinh ngày đêm xao xác cùng tiếng sóng biển Mỹ Khê vọng vào.

Con đường mới đi qua làng, nhưng nét xưa vẫn còn đó. Có những chỗ, đứng bên lề đường chỉ cần với tay đã chạm đến lá dừa nước choài ra. Nhà các bạn tôi đã thành diện mặt tiền. Chắc tương lai không xa nơi này sẽ là dãy nhà theo kiểu phố. Mặt quay về biển để hóng gió nồm nam, để nghe biển chiều ru hát.

Sông Kinh chạy dọc làng Khê Thủy cho rừng dừa nước mượt xanh bốn mùa. Cho  chim bói cá đứng soi mình. Rồi vụt bay đi, thả lại tiếng kêu lao xao trên mặt nước lặng lờ. Đấy là một nhánh từ hạ lưu sông Trà qua Khê Thủy, Khê Thanh… rồi xuôi ra cửa Sa Kỳ tạo ra dòng sông êm đềm ăm ắp nước, mà đoạn cuối của con đường  Mỹ Trà- Mỹ Khê cũng  đi dọc khúc sông này.

Đi trên con đường thênh thang dọc triền sông Trà, tôi chợt nhớ lại ngày xưa khi giao thông đường bộ còn khó khăn thì dòng sông Kinh, sông Trà là phương tiện giao thông để người dân giao thương giữa miền xuôi và miền ngược. Vì thế sản vật mít non, cá chuồn… trong câu ca dao “Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên” chắc có lẽ theo con đường này bằng những chiếc ghe Kinh. Tôi đã có dịp cùng anh em dùng thuyền nan ngược dòng sông Kinh, qua sông Trà lúc tà dương buông xuống và xuôi dòng sông lúc trăng mười sáu nhô lên. Ôi! làm sao nói hết những xúc cảm khi được lênh đênh trên sông nước ngắm triền sông Trà.


Bùi Huyền Tương
 


.