Bàn về việc bảo tồn văn hóa phi vật thể Bài chòi

06:09, 19/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bài chòi đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (viết tắt UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vấn đề đặt ra hiện nay là, làm gì để bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể này được nguyên vẹn? Đây là điều mà các ngành hữu quan và kể cả các nhà nghiên cứu quan tâm và có những luồng ý kiến khác nhau.

TIN LIÊN QUAN

Những năm gần đây, nhiều địa phương ở Liên khu 5 quan tâm đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; trong đó có Bài chòi. Một số tỉnh, thành còn đưa Bài chòi vào trong trường học. Tuy nhiên, sinh hoạt Bài chòi chủ yếu là trong các dịp Lễ, Tết mà nghệ nhân hô Bài chòi tuổi cũng đã đi qua bên kia sườn dốc của cuộc đời. Việc bảo tồn nghệ thuật Bài chòi được các học giả, nhà nghiên cứu Bài chòi đưa ra có những ý kiến trái chiều. Đó là Bài chòi truyền thống và sân khấu ca kịch Bài chòi.

Chơi Bài chòi ngày xuân.
Chơi Bài chòi ngày xuân.


Theo Giáo sư Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc- người con của tỉnh Bình Định, cũng là chiếc nôi của nghệ thuật Bài chòi cho rằng: Nghệ thuật Bài chòi là sự bảo tồn các giá trị truyền thống và phát huy sáng tạo nghệ thuật. “Phải thực hiện tiêu chí nghiêm ngặt của UNESCO mà họ đặt ra như các loại hình nghệ thuật khác. Như vậy Bài chòi phải trở lại cái gốc của nó, tức là hình thức đánh Bài chòi. Phải bảo tồn nguyên gốc như vậy”- GS Hoàng Chương bày tỏ.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha thì cho rằng: Bảo tồn giá trị Bài chòi cần phải tách biệt rõ ràng. Theo lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Pha thì trong sân khấu bài chòi có Bài chòi mới có sân khấu. Còn dân ca Liên khu 5 không làm nên sân khấu được. Mà dân ca chỉ làm hỗ trợ, phong phú thêm của một vở diễn, nhưng nếu không có bài chòi thì không thành vở diễn.

Tuy Bài chòi cũng được lưu giữ, nhưng hiện nay, Bài chòi truyền thống đã bị mai một đi rất nhiều. Một số vở diễn chưa khai thác được thế mạnh của dân ca kịch Bài chòi. Câu chuyện kịch, tình huống kịch thiếu tính truyền thống. Đặc biệt các làn điệu đưa vào trong Bài chòi thiếu tính ngẫu hứng, tính tài tử, chất trữ tình. Điều này cho thấy một khi tính dân dã, mộc mạc của Bài chòi mất đi thì tính cộng hưởng trong tiếp nhận của khán giả cũng giảm sút theo. Nhà thơ Thanh Thảo cho rằng: Để tạo dựng lại tính nguyên bản của Bài chòi không phải là công việc dễ dàng.

Ví dụ như vai trò của anh Hiệu trong hô Bài chòi theo kiểu truyền thống là hết sức khó khăn. Vì đây là nhân vật, “cái hồn” của trò chơi dân gian Bài chòi. “Cái  độc đáo trong Bài chòi chính là anh Hiệu. Anh Hiệu nào có những câu hô thai hài hước, thậm chí có những câu thơ ứng tác chọc cười có duyên nhất, đó là anh Hiệu ăn khách nhất, được bà con hưởng ứng nhiều nhất, ủng hộ nhiều nhất. Dù những câu hô thai ấy dù không được ghi ra giấy vẫn lưu lại lâu bền trong trí nhớ của người dân chơi hay nghe Bài chòi”.

Những năm gần đây, một số đoàn dân ca kịch Bài chòi ở miền Trung đã cách tân các điệu hô Bài chòi truyền thống. Điều này giúp cho diễn viên, nghệ sĩ giới trẻ tiếp cận với loại hình nghệ thuật dân gian này nhiều hơn. Tuy nhiên, việc làm này vẫn chưa đồng bộ từ âm nhạc, diễn xuất, mỗi nơi làm một kiểu. Tựu trung lại là chất cổ của thể loại Bài chòi chưa nổi bật. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liên - Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Bản thân tôi cũng phân biệt 2 vấn đề trong Bài chòi. Giữa cái hô Bài chòi trong một trò chơi dân gian và sân khấu kịch. Chúng ta cần thận trọng xem lại: Cái nào cần trình UNESCO và hai cái này có phải 2 trong 1 hay không”.
    

Bài, ảnh: Anh Vinh

 


.