(Báo Quảng Ngãi)- Giữa bốn bề sóng vỗ, trải qua từ bao đời, người dân ở Lý Sơn ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều nghi thức tín ngưỡng đặc sắc. Trong đó lễ cầu mùa ở miếu Thần Nông là một trong những nghi lễ quan trọng đối với người dân đất đảo.
Bao đời nay, cư dân nông nghiệp luôn có mong ước mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, mùa màng tốt tươi. Từ lâu người dân sống bằng nghề nông nghiệp rất coi trọng việc thờ cúng thần Nông- vị thần tương truyền là người đầu tiên dạy cho người dân biết trồng lúa, chế ra cày, bừa và là người đầu tiên làm lễ Tịch Điền (còn gọi là lễ Thượng Điền, tổ chức sau khi gặt hái, thu hoạch mùa màng) hoặc Hạ Điền (lễ tổ chức trước khi gieo trồng).
Chủ tế và các vị chấp sự chuẩn bị cúng âm hồn ở bàn thờ ngoài. |
Tại huyện đảo Lý Sơn, người dân nơi đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề đánh bắt hải sản và làm nông nghiệp. Vì thế, thần Nông là vị thần quan trọng trong hệ thống các vị thần- thánh được cư dân nơi đây thờ cúng. Cũng bởi vì ý nghĩa đó mà thần Nông được thờ cúng trong đình làng An Hải (nơi thờ Tam Hoàng Ngũ Đế). Người dân địa phương còn xây dựng một ngôi miếu riêng nằm sát bên chân núi thuộc thôn Đồng Hộ, xã An Hải để thờ cúng thần Nông. Theo các vị bô lão nơi đây, miếu Thần Nông được xây dựng ở xã An Hải có lẽ vì số lượng cư dân mưu sinh bằng nghề nông ở đây đông hơn hẳn so với hai xã còn lại trên huyện đảo Lý Sơn.
Lễ cúng thần Nông thường được người dân nơi đây tổ chức vào khoảng trung tuần tháng 3 âm lịch hàng năm, trước 1 ngày so với lệ cúng Thanh Minh tổ chức tại nghĩa tự An Hải. Việc thực hành nghi lễ cúng thần Nông diễn ra trong không khí trang nghiêm, với đầy đủ các bước từ lễ túc yết đến lễ chánh tế, có phân hiến: Sơ hiến, á hiến, chung hiến, có đọc văn tế và diễn xướng của chiêng trống, nhạc ngũ âm. Nét độc đáo của lễ cúng thần Nông làng An Hải là bên cạnh lễ cúng thần ở chánh điện, các bô lão còn thực hiện lễ cúng âm hồn, cô hồn tại các ban thờ được đặt bên ngoài miếu với lễ vật cũng đầy đủ giống như trong lễ tế thần trước đó. Lễ vật cúng thần Nông cũng tùy vào điều kiện kinh tế của người dân, có gì cúng nấy. Năm nào người dân làm ăn khá giả thì cúng heo, còn bình thường thì cúng gà. Tuy nhiên, những lễ vật chính không được thiếu, đó là nhang, đèn, hoa quả, trầu cau, rượu, gạo, muối, vàng mã.
Tục cúng cầu mùa tại miếu Thần Nông đã ăn sâu vào trong đời sống tâm linh của người dân ở huyện đảo Lý Sơn. Đây là một lễ thức vừa để tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa đã qua, vừa gửi gắm ước nguyện cầu bình an, cầu cho mùa màng tốt tươi trong năm đến. Ông Cao Văn Chư- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, trước đây người dân trên đảo có phần tách biệt với đất liền. Chính vì điều kiện đi lại khó khăn nên họ ít có cơ hội giao lưu với đất liền. Có lẽ nhờ vậy mà người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều tín ngưỡng đặc sắc. Đặc biệt là nhiều lễ hội vẫn còn mang dấu ấn nguyên sơ.
Tục thờ cúng thần Nông là nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân, nhất là trong điều kiện đời sống kinh tế của một bộ phận cư dân trên đảo chủ yếu dựa nhiều vào nông nghiệp. Đây là một trong những hoạt động tín ngưỡng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của cư dân huyện đảo.
Bài, ảnh:
T.Phương-T.Thiên