Gần 100 chiếc trống đồng cổ, quý hiếm có niên đại từ 2.000 - 2.500 năm đã được tìm thấy tại Thanh Hóa trong nhiều năm. Đây là những “báu vật” minh chứng cho các thời kỳ phát triển, nền văn hóa Đông Sơn ở nước ta cách đây hàng nghìn năm.
Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang tổ chức trưng bày theo chuyên đề “Trống đồng phát hiện tại Thanh Hóa” nhằm phục vụ du khách đến tham quan trong năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa. Việc trưng bày cũng nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng và 40 năm ngày Giải phóng miền năm thống nhất đất nước.
Với gần 100 chiếc trống đồng cổ, quý hiếm, đủ các chủng loại khác nhau có niên đại từ 2.000 - 2.500 năm được trưng bày lần này đem đến cho người xem cách nhìn toàn diện về thời kỳ phát triển đồ đồng ở nước ta. Trong đó, thời kỳ văn hóa Đông Sơn thể hiện phát triển hưng thịnh nhất của đồ đồng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều chiếc trống đồng có từ thời phong kiến hay những chiếc trống đồng minh khí… cũng được trưng bày tại triển lãm.
Những chiếc trống đồng cổ được trưng bày chia thành nhiều loại khác nhau từ I, II, III. Trong gần 100 chiếc trống đồng đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đợt này, có một chiếc trống đồng Cẩm Giang là Bảo vật quốc gia. Đây là chiếc trống được xếp vào loại I - Heger thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn được phát hiện năm 1992 tại xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa).
Đây là chiếc trống đồng có một không hai ở nước ta hiện nay khi chưa nơi nào tìm thấy được chiếc trống đồng đẹp như chiếc này. Với sự cân đối về hình thể, chiếc trống đồng Cẩm Giang có đường kính mặt trống 73cm, cao 49cm và nặng 60kg. Ngoài những hoa văn tinh xảo, sinh động ở tang, lưng và đai trống thì trên mặt còn có ngôi sao 16 cánh, 9 vòng hoa, chim lạc bay…
Đặc biệt, chiếc trồng đồng Cẩm Giang còn được trang trí bởi 4 khối tượng vịt thay thế cho các khối tượng cóc (thường thấy ở các loại trống đồng tìm thấy trước đó). Những khối tượng vịt này hướng theo chiều ngược kim đồng hồ nằm trên vị trí trang trọng. Đây là sự đặc biệt mà không có loại trống nào có được từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, nhiều chiếc trống đồng loại I, II, III và những chiếc đồng cổ có hoa văn trên mặt trống được chạm khắc tinh xảo, hình thù, tượng phong phú cũng được trưng bày. Những chiếc trống đồng này có độ cao thấp, to nhỏ khác nhau thể hiện sự phong phú về chủng loại. Có nhiều chiếc trống sau thời gian dài nằm dưới lòng đất đã bị ăn mòn, hư hại, khi phát hiện đã không còn nguyên vẹn. Nhiều cái do va đập, tác động khi tìm thấy cũng bị méo mó, sứt mẻ không còn giữ nguyên được hiện trạng…
Được biết, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng trống đồng được phát hiện. Với đủ các nhóm và chủng loại khác nhau, những chiếc trống đồng phát hiện tại Thanh Hóa minh chứng cho nên văn hóa đồ đồng Đông Sơn và các thời kỳ khác ở nước ta. Từ những chiếc trống đồng phát hiện được, hiện nay hàng nghìn chiếc trống đồng mới cũng đã được các nghệ nhân tại Thanh Hóa đúc phục dựng lại. Có nhiều chiếc trống hiện nay đang giữ kỷ lục Việt Nam về độ lớn…
Theo Thái Bá/Dân Trí